Kinh tế

Khu công nghiệp “xanh” – luồng gió mới hút vốn FDI

Tống Minh 26/03/2024 - 11:20

(TN&MT) - “Các khu công nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững, thân thiện với môi trường ngày càng có sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”. Đây là nhận định của ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, Tổng Giám đốc CTCP KCN Kỹ thuật cao An Phát 1.

Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp xanh

Bất chấp bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong năm vừa qua, đạt mức kỷ lục 36,6 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản giữ vị trí á quân, với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD. Với lượng vốn FDI liên tục gia tăng thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về mặt bằng sản xuất, kho bãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp được dự báo vẫn chiếm ưu thế và là điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư.

Đánh giá về phân khúc này, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam cho hay, đây là thị trường rất năng động và tiềm năng. Không ở đâu có nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài lớn như ở Việt Nam. Hiện có hơn 15 nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp, còn ở các nước khác chỉ có khoảng 5-6 nhà đầu tư.

anh-1.jpg
Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến bất động sản công nghiệp xanh

Đáng chú ý, các nhà đầu tư gần đây đang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản công nghiệp xanh. Khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, bên cạnh các ưu tiên như vị trí, nguồn nhân lực, các hạ tầng logistics khác, xu hướng khu công nghiệp xanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp FDI ưu tiên khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Theo đó, hiện có 4 mô hình khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, được nhiều quan tâm nhất là khu công nghiệp sinh thái – xu hướng của thế giới; khu công nghiệp đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; khu công nghiệp thông minh - quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải bằng hệ thống thông minh; khu công nghiệp tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.

An Phát 1 – Khu công nghiệp xanh hút FDI

Dưới góc nhìn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, Tổng Giám đốc CTCP KCN Kỹ thuật cao An Phát 1 cho hay, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu công nghiệp không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý và quy mô, mà còn có khả năng đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững, để đảm bảo sản phẩm họ sản xuất ra đạt các tiêu chuẩn xanh, đủ yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

“Khi lựa chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư yêu cầu các khu công nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Nắm bắt được tâm lý này, chúng tôi đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp theo hướng bền vững để đáp ứng nhu cầu và gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư”, ông Tuấn nói thêm.

Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, khu công nghiệp An Phát 1 (Nam Sách, Hải Dương), đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều “ông lớn” mạnh tay rót vốn. Tính đến nay, khu công nghiệp đã thu hút gần 20 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 500 triệu USD, trở thành một trong những khu công nghiệp thu hút được số vốn đầu tư nhiều nhất tại Hải Dương kể từ đầu năm 2023 đến nay.

sua-anh.png
Với định hướng phát triển xanh, KCN An Phát 1 đã thu hút nhiều “ông lớn” rót vốn

Thành quả này đến từ chiến lược phát triển bền vững mà khu công nghiệp đã xác định ngay từ ban đầu. “Chúng tôi ưa tiên tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp thuộc ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp An Phát 1 đều dự kiến sẽ lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng”, ông Tuấn dẫn chứng.

Ngoài ra, An Phát 1 cũng yêu cầu các nhà xưởng phải có phương án xử lý rác thải, khí thải và nước thải đạt chuẩn, không gây hại cho môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng cây xanh cũng được mở rộng, giúp giảm lượng khí thải carbon.

Có thể khẳng định, việc các khu công nghiệp tại Việt Nam từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới. Đây là bước đi quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp “xanh” – luồng gió mới hút vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO