Tiếng dân

Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) chậm tiến độ 10 năm

Phạm Thiệu 23/07/2024 - 22:06

(TN&MT) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đang xin chủ trương lựa chọn nhà đầu dự án để làm cơ sở lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B).

Tìm hiểu của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được biết, Dự án Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt và giao Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án tại Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 5/5/2014. Dự án nằm trên địa bàn huyện Tam Đảo và huyện Tam Dương với diện tích dự kiến khoảng 185,6 ha (bao gồm hai phân khu là B1 và B2), tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư đã gặp khó khăn trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn tới không thể triển khai và Tập đoàn FLC đã có văn bản đề nghị chấm dứt dự án.

kcn-tam-duong-ii(1).jpg
Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) chậm tiến độ 10 năm do nhiều vướng mắc (ảnh minh họa)

Ý kiến cử tri huyện Tam Đảo cho biết, chính quyền huyện Tam Đảo đã tiến hành kiểm đếm tài sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng nhưng gần 10 năm nay vẫn không thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng gây bức xúc dư luận. Hiện nay nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi đã xuống cấp trầm trọng, đường giao thông đi lại trong khu dân cư bị hư hỏng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tại Văn bản số 101/BC-TTHĐND ngày 3/7/2024, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thông tin về dự án này và giải đáp thắc mắc của cử tri huyện Tam Đảo.

Theo đó, từ năm 2015, UBND huyện Tam Đảo đã tổ chức kiểm đếm xong toàn bộ diện tích đất và tài sản của các hộ nằm trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án; đã phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất nông nghiệp 8,9ha/133,561 ha cho các hộ nằm trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, do chủ đầu tư dừng triển khai thực hiện dự án nên UBND huyện Tam Đảo không thực hiện được tiếp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì không có nguồn vốn để tổ chức thực hiện.

Ngày 2/7/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bãi bỏ quyết định giao Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) nên cần thực hiện các thủ tục ban hành lại thông báo thu hồi đất để làm cơ sở triển khai thực hiện tiếp công tác GPMB.

kcn-tam-duong-2.jpg
Quy hoạch chi tiết một phần KCN Tam Dương II (khu B)

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 63 Luật Đất đai 2013, điều kiện để ban hành thông báo thu hồi đất là dự án phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện được UBND tỉnh phê duyệt và dự án phải thuộc các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, cộng đồng quy định tại Điều 61 và 62 Luật Đất đai 2013.

Điểm a, Khoản 2, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định, đối với dự án xây dựng khu công nghiệp phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư nên UBND huyện Tam Đảo chưa có cơ sở ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện tiếp công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án.

Đối với các vướng mắc này, năm 2020, UBND huyện Tam Đảo đã tổ chức hội nghị xin ý kiến thống nhất của các sở, ngành và có các văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xem xét nội dung báo cáo của UBND huyện, UBND tỉnh đã có các Văn bản số 1319/UBND-NN5 ngày 2/3/2021, số 2258/UBND-CN3 ngày 2/4/2021 giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh xem xét đề xuất UBND tỉnh giải quyết các nội dung kiến nghị của UBND huyện Tam Đảo.

Ngày 22/4/2021, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã có Văn bản số 578/BQLKCN-QH báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đấu giá lựa chọn nhà đầu dự án làm cơ sở để Ban quản lý các khu công nghiệp lập hồ sơ dự án báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) chậm tiến độ 10 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO