(TN&MT) - Sáng 04/10/2017 tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm "Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam" do Trung tâm Con người & Thiên nhiên phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam và Tạp chí Rừng & Môi trường đồng tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị |
Buổi tọa đàm với sự có mặt của TS. Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch; TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng; TS. Lê Hoàng Lan, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công; Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam.
Các thảo luận tập trung vào các vấn đề pháp luạt, chính sách để phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, làm rõ sự chồng chéo, mâu thuẫn và bất hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam trong việc quản lý khu bảo tồn; Phân cấp, phân quyền và hợp tác liên bộ ngành trong việc hoạch định chính sách, ra quyết định (đầu tư) và giám sát phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn; Nêu sự cần thiết của việc xác lập các luận cứ khoa học cho việc lựa chọn chính sách và quyết định phát triển du lịch trong các khu bảo tồn.
Phát biểu và trình bày tham luân tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thách thức trong phát triển Du lịch sinh thái (DLST) ở các Khu bảo tồn (KBT) Việt Nam như: Hầu hết các Vườn quốc gia (VQG), KBT chưa có chiến lược phát triển DLST, chưa dành nguồn kinh phí đáng kể cho công tác quảng bá, XTTM du lịch; DLST phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu tập trung ở một số VQG, KBT; các KBT chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tác phát triển DLST, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; Nguồn thu từ phát triển DLST còn hết sức hạn chế chưa bù đắp chi phí và đầu tư trở lại; Một số nơi DLST phát triển nóng, gây ra những tác động tiêu cực; Trình độ nhận thức của người dân về DLST còn thấp khiến KBT bị tác động mạnh bởi các hoạt động nông nghiệp, khai thác lâm sản, săn bắn của cư dân; Thiếu đội ngũ quản lý cũng như cơ sở hạ tần còn hạn chế chưa đồng bộ cũng là một thách thức lớn đối với sự phát triển của DLST và cả bảo vệ các KBT.
Đồng ý kiến với TS Phạm Hồng Long, TS Lê Hoàng Lan, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng bổ sung thêm một số bất cập trong Đánh giá tác động môi trường(ĐTM) của các dự án phát triển du lịch trong KBT như: Hiện trạng sử dụng đất và vai trò của Ban Quản lý KBT chưa được phân tích đầy đủ và tương xứng; Mối liên quan với các dự án du lịch xung quanh chưa được chú ý; Thiếu thông tin về hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái và các tác động đến dịch vụ hệ sinh thái…
Để khai thác các khu bảo tồn thiên nhiên theo hướng bền vững, các chuyên gia, nhà khoa học tại Tọa đàm cũng đã nêu một số đề xuất nhằm phát triển DLST như: Cần có một chiến lược quốc gia về phát triển DLST bền vững ở các VQG và KBT; Đẩy mạnh quy hoạch phát triển DLST theo các vùng lãnh thổ đến từng VQG, KBT; Thường xuyên có các chương trình các lớp huấn luyện, các hoạt động nâng cao nhận thức về DLST; Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và giảm thiểu sự phụ thuộc của họ vào rừng; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, các sản phẩm du lịch; Tích cực học tập các kinh nghiệm quốc tế về phát triển DLST bền vững.
Phương Linh