Nguồn hàng cung ứng trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định trong khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: vietnamnet |
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021 ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%. Trong đó, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước… đều có mức giá tương đối ổn định, không có sự đột biến bất thường nào.
Cụ thể, so với tháng trước, giá gạo giảm 0,19% do nguồn cung dồi dào tại các tỉnh phía Nam, bên cạnh đó giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ tiếp tục giảm cũng làm cho giá gạo trong nước giảm theo. Giá thịt lợn giảm 1,61% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, nguồn cung thịt lợn đảm bảo (tổng số lợn của cả nước tháng 5 tăng 11,8% so với cùng thời điểm năm trước).
Ở chiều ngược lại, giá thủy sản tươi sống tăng 0,07%; giá thủy hải sản chế biến tăng 0,03%; giá thịt gà tăng 0,09%; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 2,62%. Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và 12/5/2021, trong đó bình quân giá xăng E5 tăng 440 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 370 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 450 đồng/lít làm giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%; giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng trong thời tiết nắng nóng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với những diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung, hoạt động thương mại tại các địa phương vẫn đang diễn ra bình thường. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi… vẫn mở cửa hoạt động với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ và dịch vụ trên từng địa bàn đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân.
Tại các tỉnh có dịch bệnh diễn ra phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Hà Nam, Thái Bình…tình hình hàng hóa trên thị trường cũng cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đặc biệt, ở Bắc Giang, dù thông tin tiêu cực về diễn biến lây lan trong một khu công nghiệp lớn trên địa bàn huyện Việt Yên đã được phát đi, song ở các siêu thị, trung tâm thương mại không hề xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng không có tình trạng người dân đi mua gom, mua dồn hàng hóa dự phòng. Các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn luôn có đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.
Tại Hà Nội, từ ngày 5/5/2021, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Sở Công thương Hà Nội tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm minh tình trạng găm hàng, tăng giá…
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các đơn vị tại địa phương thực hiện các giải pháp bình ổn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì dự trữ hàng. Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu. Mặt khác, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.