1. KGCC là thành phần không thể thiếu và rất quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Nó đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng của thị dân. Là không gian mở, an toàn, nơi mọi người có thể tiếp cận dễ dàng bởi không mất phí, được tự do thể hiện cái “Tôi” của mình một cách bình đẳng trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
KGCC với công viên, cây xanh, thảm xanh thực vật, hồ nước còn làm chức năng “lá phổi” của đô thị, góp phần điều hòa khí hậu, làm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người do kiến trúc (hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê tông, đảo nhiệt), do thời tiết (mưa, nắng thất thường gây úng ngập), do ô nhiễm môi trường không khí (bụi mịn, khí thải, chất độc hại) từ các hoạt động xây dựng, sản xuất, giao thông, sinh hoạt hàng ngày… bởi con người và biến đổi khí hậu gây ra.
Không gian đi bộ trên Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Minh |
Ở nước ta, xét trên góc độ quản lý Nhà nước, KGCC chưa được chính thức định nghĩa, quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về xây dựng nói chung, hay các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc quy hoạch nói riêng, khái niệm về KGCC được nhắc đến chỉ là một loại khu chức năng, như khu cây xanh công viên, vườn hoa… để rồi từ đó đưa ra các chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị cho đầu người như đô thị loại đặc biệt là 7 m2, đô thị loại V là 4 m2...
Do cách nhìn nhận KGCC như vậy, nên không có gì ngạc nhiên, KGCC trong hệ thống đô thị nước ta một thời gian dài ít được quan tâm, đầu tư chăm sóc, thậm chí ở nhiều nơi diện tích dành cho KGCC thường hay bị lấn chiếm, bị thay đổi mục đích sử dụng vì lợi ích kinh doanh, được hợp thức hóa bằng cái gọi là “điều chỉnh quy hoạch”.
2. Những năm trước Đổi mới, hầu hết các đô thị, ngoài một số vườn hoa hay công viên nhỏ, loại hình KGCC phổ biến nhất được ưu tiên xây dựng là các quảng trường nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị, thường được quy hoạch, bố trí phía trước tòa nhà Tỉnh ủy, Thành ủy hay UBND tỉnh, thành phố với xung quanh là các công trình phục vụ chính quyền như trụ sở các Sở, ban, ngành, tòa án, bưu điện, Ngân hàng Nhà nước. Những quảng trường này chủ yếu chỉ diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, không phải là nơi sinh hoạt văn hóa, giải trí... thường ngày của người dân đô thị. Ở Hà Nội, trừ Quảng trường Ba Đình lịch sử, thì các quảng trường trong thành phố như Quảng trường Cách mạng Tháng 8 trước Nhà hát Lớn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm hay Quảng trường 1/5 trước Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô cũng trở thành những đảo giao thông, hiếm khi diễn ra những hoạt động cộng đồng. Còn các công viên như Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất… dẫu được xây tường gạch cao hơn 2 m kiên cố bao quanh với cổng ra vào bề thế như trụ sở công quyền, nhưng hoạt động bên trong lại không an toàn cho du khách, về đêm là nơi tệ nạn xã hội hoành hành.
Bờ sông Hàn, Đà Nẵng |
Sau Đổi mới từ 1986 đến nay, khi nền kinh tế nước ta từ cơ chế tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, hệ thống đô thị phát triển nhanh cùng tốc độ đô thị hóa trên phạm vi cả nước. Kiến trúc đô thị cũng được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống cư dân được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng để các KGCC được quan tâm, nâng cấp, đầu tư. Đã xuất hiện các KGCC hiện đại và tiện nghi trong các khu đô thị mới mà hầu hết là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng như Phú Mỹ Hưng (Sài Gòn), Ciputra, Trung Hòa - Nhân chính, Làng Quốc tế Thăng Long… và mới hơn nữa là Royal City, Times City (Hà Nội), Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên)… khi chức năng định cư và thương mại dịch vụ vui chơi giải trí được tích hợp trong những “tiểu thành phố” như thế, mang thương hiệu của các tập đoàn lớn có uy tín quốc gia và quốc tế như Vingroup..., KGCC ở những nơi này đã trở thành một dạng không gian bán công cộng (quasi - public space) trực tiếp và gián tiếp phục vụ mục tiêu kinh doanh của các ông chủ, là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút thị trường và làm tăng giá trị của các dự án bất động sản.
Đặc biệt, từ những năm 2000 của thế kỷ XXI, với tư duy đổi mới mạnh mẽ của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đô thị Việt Nam đã khởi sắc rõ rệt, phát triển mạnh về quy mô, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội. Trong đó, KGCC được quan tâm như hình ảnh của dân chủ và đổi mới trong xã hội, vượt qua mọi khuôn khổ cứng nhắc, trì trệ của những quy định trong Quy chuẩn xây dựng hiện hành. Và mở đầu cho sự tươi mới các KGCC trong đô thị ở nước ta, đó là TP.HCM và Hà Nội.
Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, TP.HCM khai trương Đường hoa Nguyễn Huệ, trên cơ sở chợ Hoa Nguyễn Huệ truyền thống. Đường hoa được thiết kế bởi tài năng sáng tạo của các kiến trúc sư và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, trở thành một tác phẩm sắp đặt - trang trí đường phố độc đáo, hấp dẫn đầy màu sắc. Đường hoa Nguyễn Huệ khởi đầu cho một loại hình KGCC đa năng mang lại hiệu ứng không ngờ, biến một trong những con đường đẹp nhất thành phố, dài chỉ hơn 700 m từ nơi đặt tượng đài Bác Hồ, trước Trụ sở UBND thành phố đến bến Bạch Đằng, thành một đường hoa rực rỡ với rất nhiều hoạt động nghệ thuật cộng đồng hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt người đến thăm, thưởng ngoạn, trở thành một sự kiện văn hóa hàng năm của thành phố cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán. Mô hình Đường hoa Nguyễn Huệ đã lan tỏa và có sức lay động đến chính quyền đô thị nhiều địa phương trong cả nước.
Là hai thành phố lớn nhất, có vị trí chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất nước, nhưng ở hai đầu đất nước nên KGCC ở TP.HCM có nhiều đặc điểm khác Hà Nội. KGCC ở TP.HCM dù có diện tích lớn nhỏ khác nhau, nằm ở các khu vực dân cư khác nhau thì ấn tượng đầu tiên là sự thân thiện, gần gũi, bởi các vườn hoa, công viên là không gian “mở” không có sự ngăn cách, lại nằm ở những vị trí giao thông thuận tiện, mọi người dễ dàng tiếp cận, khác hẳn với tính “đóng” của nhiều công viên ở Hà Nội. Công viên, vườn hoa luôn rợp mát, cho dù ngoài đường phố nắng nóng chang chang, bởi có rất nhiều cây xanh cổ thụ, rực rỡ sắc hoa và lảnh lót tiếng chim. Người vào công viên có các em học sinh, sinh viên, người cao tuổi, trí thức, bình dân hay người bán vé số... ai nấy đều thân thiện, vui vẻ và sẵn lòng trả lời tôi khi hỏi một điều gì đó về công viên này, về thành phố này.
Với những người đến từ nơi xa, cảm nhận đó thật dễ chịu. Có thể kể ra, như Thảo Cầm Viên, Công viên 30/4 đối diện Dinh Độc Lập, Công viên Tao Đàn rộng hơn 10 ha với hơn 1.000 cây xanh cổ thụ, được ví như lá phổi xanh của thành phố... Xa hơn nữa, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km là Công viên văn hóa Suối Tiên. Rồi mới đây, xuất hiện công viên Vinhomes Central Park có diện tích hơn 10 ha, nằm trong quần thể Khu đô thị mới cao cấp vào loại sang bậc nhất Sài thành do Tập đoàn Vingroup xây dựng trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, ven bờ sông Sài Gòn, đang trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các gia đình khá giả và giới trẻ trong dịp cuối tuần, đến thư giãn và vui chơi, giải trí.
Khi nói đến các KGCC ở TP.HCM, không thể không nhắc đến một KGCC đặc biệt và có ý nghĩa chính trị - xã hội - văn hóa đặc biệt, có tác dụng làm biến đổi một phần bộ mặt đô thị của thành phố, đem lại sự thụ hưởng cho nhiều triệu người, đó là Dự án cải tạo làm hồi sinh Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dự án này kéo dài đến 34 năm, nhưng đã đem đến những lợi ích về kinh tế, môi trường, văn hóa, an sinh xã hội cho thành phố. Hiện nay, hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa hai bên bờ kênh nước trong xanh, cùng các công viên, vườn hoa, hàng cây xanh mát, đường đi bộ, vỉa hè khang trang được xây dựng... đã trở thành KGCC đa năng, nơi vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao cho người dân. Hà Nội sau khi hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang và kè bờ Hồ Hoàn Kiếm cũng đang tiến hành cải tạo sông Tô Lịch và quyết tâm làm hồi sinh các sông hồ đang bị ô nhiễm nặng nề như sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, hồ Đầm Hồng...
Công viên Tao Đàn, TP. HCM |
Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tuyến phố đi bộ ở Hà Nội và TP.HCM tạo nên những KGCC mới cho hoạt động cộng đồng. Như phố Bùi Viện, Nguyễn Huệ... ở TP.HCM; không gian đi bộ chung quanh Hồ Hoàn Kiếm và mới đây là các phố lân cận như Lò Sũ, Cầu Gỗ, Hàng Bạc... vừa được chỉnh trang, làm đẹp, biến khu vực nơi đây thành những phố đi bộ đặc sắc, hấp dẫn, an toàn cho người dân Thủ đô và du khách bốn phương. Đây là những ví dụ sinh động cần phát huy và nhân rộng. Cần hình thành thêm nhiều phố đi bộ khác nữa tại trung tâm các khu vực dân cư, có đầu mối giao thông công cộng thuận tiện. Phố đi bộ phải gắn với nơi có di tích, công trình văn hóa nghệ thuật như bảo tàng, triển lãm, trung tâm thương mại, có không gian để diễn ra các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, hay thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa (quán bar, câu lạc bộ) và ăn uống (kể cả về đêm) của người dân và du khách. Ẩm thực vỉa hè đã từ lâu là nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn, Hà Nội, rất cần được khuyến khích quảng bá, và đấy cũng là yếu tố hấp dẫn khách du lịch, tạo nguồn thu không hề nhỏ cho người dân và cho ngân sách của thành phố.
Thay lời kết
Chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số. Nhưng chúng ta cũng đang phải đối phó và thích ứng trước những tác hại của thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, cùng đại dịch Covid-19 đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Vì thế, hơn lúc nào hết, các KGCC trong thành phố như cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ mặt nước... rất cần được đầu tư chăm sóc, trang bị tiện nghi... không chỉ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí sinh hoạt của người dân và cộng đồng, mà còn góp phần tích cực vào giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu và đại dịch gây ra, nâng cao chất lượng sống đô thị theo hướng xanh, bền vững mà chúng ta đang hướng tới.