Chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị
Các chuyên gia trong giới quy hoạch cũng nhận định, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị phục vụ con người và không gian công cộng là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Trong đó, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người.
KTS. Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Thủ đô chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố khác trên thế giới.
Không gian công cộng là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Ảnh: Hoàng Minh |
Theo các nguyên lý quy hoạch đơn vị ở, cứ 4.000 dân cần phải có một không gian công cộng. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội có nhiều khu dân cư khoảng 20.000 dân nhưng không có không gian chung, có thể có sân và thường được sử dụng như không gian đỗ xe, hỗ trợ kinh doanh, chứ không phải là không gian công cộng có sân vườn hướng đến các hoạt động chung của cộng đồng.
KTS. Tạ Thu Hương - Chuyên gia kiến trúc quy hoạch, người sáng lập Tổ chức kiến tạo không gian cộng đồng ABC cho biết: “Chúng ta có số liệu về quy hoạch nhưng sự quản lý về nội dung và các tính hiệu quả trong sử dụng không gian công cộng chưa thực sự chặt chẽ. Điều này thực sự cần được quan tâm sát sao hơn trong thời gian tới. Sẽ rất tốt nếu chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước về quy mô các công trình của họ và đăng ký luôn diện tích, nội dung và các hoạt động trong không gian công cộng để người dân có thể hiểu hơn về những giá trị mà họ nhận được từ không gian sống của họ. Nếu như ở nước ngoài, khi xây bất cứ một công trình nào, họ sẽ ưu tiên phần không gian công cộng. Giả sử khi phải làm đường mà con đường đó vô tình đi qua một sân chơi thì họ sẵn sàng giải phóng các mặt bằng khác để làm thay thế nhằm đảm bảo những người dân ở đó có không gian hoạt động chung”.
Cần được khẳng định mạnh mẽ hơn
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội xác định có hơn 117 cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời khỏi nội đô. Quỹ đất sẽ được tái thiết để kiến tạo những giá trị mới, trong đó, thiết kế không gian sáng tạo phục vụ lợi ích cộng đồng trong khu vực là một giải pháp được thành phố hướng đến.
Chia sẻ về điều này, KTS. Tạ Thu Hương bày tỏ: “Mỗi một sự sáng tạo sẽ không cô đơn, sẽ luôn có người đồng hành đi cùng nó và nhờ có sự ủng hộ khuyến khích từ cấp trên vĩ mô như thế này thì rõ ràng không gian sáng tạo của Hà Nội sẽ trở thành mạng lưới sáng tạo đặc trưng, có dấu ấn. Sáng tạo nghệ thuật gắn liền với đô thị sẽ là giá trị mới cho Thủ đô để những ai đến Hà Nội đều thấy rằng hàng ngày tôi không chỉ được tận hưởng không khí, kiếm thêm tiền ở không gian này mà rõ ràng tôi đang được tận hưởng nghệ thuật từ thành phố này”.
Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), 92% người dân Hà Nội cho biết, không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ; 79% cho rằng Thủ đô đang thiếu không gian công cộng.
“Giữa những sự sáng tạo, ta luôn cần có cái nhìn bình đẳng và Chính phủ, Nhà nước luôn trân trọng tất cả những điều đó. Chúng ta cần thay đổi và sáng tạo, chúng ta không chỉ cần ăn, ở, mặc mà còn cần giao lưu, cần có thêm kiến thức, cảm xúc, năng lượng mới. Phương thức sống sáng tạo cần luôn được khuyến khích và chung tay cổ vũ để nó trở thành một xu thế và để góp phần giúp Nhà nước có thêm những niềm tin trong quá trình đưa ra những quyết sách”, bà Hương chia sẻ thêm.
Thời gian qua, có nhiều tổ chức, dự án đã đứng ra đầu tư, cải tạo không gian công cộng, không chỉ ở riêng Hà Nội mà còn ở các địa phương trên cả nước, tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy, nếp sống của người dân. Mấu chốt là hướng đến một cộng đồng gắn bó, một xã hội hạnh phúc.