Không cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải

Tống Minh| 15/06/2020 18:14

(TN&MT) - Đây là một nội dung mới được đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trước tình trạng ở nhiều nơi, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, đã không còn sức chịu tải mà vẫn phải đón nhận thêm những nguồn thải mới.

Nếu nguồn nước đã không còn sức chịu tải mà vẫn phải đón nhận thêm những nguồn thải mới sẽ ngày càng ô nhiễm (Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay việc quản lý các nguồn thải vào môi trường nước chủ yếu dựa trên kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra mà không tính toán đến tổng thải lượng vào nguồn nước, dẫn đến nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm dù tất cả các nguồn thải đều xử lý đạt quy chuẩn, nhưng tổng thải lượng quá lớn, vượt quá sức chịu tải của nguồn tiếp nhận.

 Mặt khác, đối với những nguồn nước đã bị ô nhiễm, việc xử lý rất khó khăn do chi phí xử lý trực tiếp rất tốn kém, trong khi đó giải pháp giảm thải lượng vào nguồn tiếp nhận lại chưa có cơ chế thực hiện (do chưa quản lý nguồn thải theo thải lượng). Thực tế, nhiều nguồn nước đã bị ô nhiễm nhưng các dự án vẫn được cấp phép để xả thải.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thay đổi cách tiếp cận bảo vệ môi trường nước từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường.

“Để thực hiện theo cách tiếp cận này, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nắm bắt được hiện trạng sức chịu tải của nguồn nước và các nguồn đang thải vào, cũng như có phương án phân bổ hạn ngạch xả thải phù hợp. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng mục tiêu, phương án giảm phát thải vào những nguồn nước đã bị ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng nước”, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay.

Theo đó, để thực hiện nhất quán các hoạt động này, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra một công cụ mới là Kế hoạch quản lý chất lượng nước. Đây được coi là công cụ giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được các nguồn nước mặt trên địa bàn quản lý, từ đó có biện pháp phân bổ hạn ngạch xả thải, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo không có nguồn nước nào bị tiếp nhận thêm nước thải khi đã không còn sức chịu tải.

Kế hoạch quản lý chất lượng nước gồm những nội dung chính là: các mục tiêu bảo vệ chất lượng nước; thực trạng phân bố nguồn ô nhiễm, loại và tổng lượng ô nhiễm; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, phân bổ hạn ngạch xả thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm phát thải vào nguồn nước đối với nguồn nước đã không còn khả năng chịu tải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nước, cải thiện chất lượng nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế (các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có quy định tương tự).

Bởi rõ ràng, nếu nguồn nước đã không còn sức chịu tải mà vẫn phải đón nhận thêm những nguồn thải mới thì chắc chắn nguồn nước đó sẽ bị ô nhiễm trầm trọng hơn, khó có thể phục hồi, việc xử lý, cải tạo chất lượng nước (khi vẫn tiếp nhận các nguồn xả thải mới) sẽ đòi hỏi chi phí vô cùng lớn và thậm chí là không khả thi. Mặt khác, nếu không thực hiện quy định này thì không khác gì “đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO