Ông Nguyễn Thế Hanh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Đầu tháng 4.2018, Vườn Quốc gia Tràm Chim được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp tăng cường 63 cán bộ chiến sĩ về giúp Vườn tuần tra dã ngoại, hỗ trợ Vườn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng; lực lượng bộ đội được bố trí quân ở các địa bàn trọng điểm như: Xã Phú Hiệp, Phú Đức và Tân Công Sính. Ngoài việc hỗ trợ của bộ đội, Vườn còn lắp đặt camera an ninh ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy xảy ra. Cùng với lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng của Vườn và dân địa phương, 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, khu vực xung quanh Vườn được bố trí nhiều trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Theo ông Bùi Văn Son, Chi Cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết: Vườn Quốc gia Tràm Chim dự báo có 1 khu vực rừng có khả năng cháy lớn, cấp IV (cấp nguy hiểm) ở Gò Lung Sơn ở Khu A4 và có 6 khu vực ở Khu A1, A2, A3, A5 dự báo có khả năng dễ cháy, cấp III (cấp cao). Trước mắt "bài toán" đặt ra là phải điều tiết nước cho phù hợp. Hiện nay vườn chuẩn bị bơm nước vào kênh, ao cạn kiệt để trữ nước,để giữ độ ẩm . Vườn tạo được hàng chục km đường băng xanh và trên 80 km kênh, ao dự trữ nước, đồng thời phát dọn vệ sinh, đắp đập dẫn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; nạo vét thông thoáng các kênh mương đảm bảo thuận lợi cho công tác vận chuyển các trang thiết bị khi có xảy ra cháy.
Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, đưa phương tiện chữa cháy đến các chốt bảo vệ, các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện, tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời và thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Vườn Quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar (khu đất ngập nước) thứ 2000 của Thế giới nên phòng chống cháy rừng mùa khô chính là nhằm bảo vệ tốt một “Đồng Tháp Mười thu nhỏ” của Việt Nam, nơi lưu giữ trên 230 loài chim, 190 loài thực vật, hơn 150 loài cá nước ngọt, 40 bò sát lưỡng cư và hệ sinh vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại đặc biệt quý hiếm.