Khơi dậy ý thức tự lực của người nghèo trong mục tiêu giảm nghèo bền vững
Đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) là 30,98%, con số còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều mỗi năm từ 10 - 11%, phấn đến năm 2025 xuống dưới 10%. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm rất lớn của chính quyền và nhân dân Vĩnh Thạnh trong nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đức Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết đôi nét khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện Vĩnh Thạnh? Điều kiện tự nhiên, xã hội này có tác động ra sao đến việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện?
Ông Huỳnh Đức Bảo:
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 80 km về phía Tây. Phía Đông giáp huyện Phù Cát và Hoài Ân, phía Tây giáp thị xã An Khê và huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), phía Nam giáp huyện Tây Sơn, phía Bắc giáp huyện An Lão.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 71.690,7 ha. Huyện có 9 đơn vị hành chính, với 8 xã và 1 thị trấn; gồm 59 thôn, làng, khu phố; trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện là 30,05%. Vĩnh Thạnh có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt, sinh sống rải rác dọc 2 bờ sông Kôn. Thời tiết trong những năm gần đây biến đổi bất thường, gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.
Mặt khác, huyện Vĩnh Thạnh là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong suốt những năm kháng chiến chống Mĩ, hậu quả của chiến tranh để lại là vô cùng lớn, trong đó phải kể đến hàng trăm người bị phơi nhiễm và nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trên địa bàn huyện có 2.777 hộ, khoảng gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo. Đây là những thách thức không nhỏ đối với Vĩnh Thạnh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong những năm qua?
Ông Huỳnh Đức Bảo:
Dù còn những khó khăn nhất định, tuy nhiên trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2023, trong 17 chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của HĐND huyện có 13 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch và 1 chỉ tiêu đang chờ tỉnh thẩm định. Tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện còn 30,98%, giảm 11,76% so với năm 2022. Tỷ lệ giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu so với nghị quyết của Huyện ủy, nghị quyết của HĐND và chỉ tiêu tỉnh giao.
Điều đáng mừng là nhiều người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn, chủ động vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình như trồng rừng, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng bè... Từ nguồn vốn thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, địa phương đã triển khai thực hiện 14 dự án, có 541 hộ tham gia với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Kết quả đã có hơn 475/541 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Trên cơ sở nhu cầu học nghề của người dân và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được cấp từ năm 2021 - 2023, huyện Vĩnh Thạnh bố trí 1,2 tỷ đồng tổ chức 14 lớp nghề, với 490 lao động thuộc hộ nghèo và cần nghèo tham gia. Sau khi học nghề, đã có hơn 76% người lao động có việc làm, tự tạo việc làm có thu nhập ổn định và có 227/490 người thoát hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt một số kết quả nổi bật như: 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 (xã Vĩnh Quang); 1 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Vĩnh Hảo, hiện đang chờ tỉnh thẩm định, công nhận); 1 xã đạt 15/19 tiêu chí; 1 xã đạt 10/19 tiêu chí; 1 xã đạt 9/19 tiêu chí và 2 xã đạt 6/19 tiêu chí. Mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Song song với việc thực hiện công tác giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội được triển khai, thực hiện ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực đã tạo điều kiện để người nghèo của huyện được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
PV: Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra qua quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, thưa ông?
Ông Huỳnh Đức Bảo:
Chúng tôi thấy rằng, để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên, cụ thể của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội mang tính quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của Chương trình giảm nghèo ở địa phương. Đồng thời, cần thiết phải phát huy được sức mạnh của bản thân người nghèo, cộng đồng và Nhà nước. Do đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, giúp họ ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo.
Mặt khác, cần xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về giảm nghèo ở từng cấp, từng ngành nhằm tạo động lực cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo, điều tra viên của cơ sở phải có chuyên môn, vững kỹ năng nghiệp vụ, nhiệt tình, tận tâm, sâu sát ở cơ sở, có phương pháp vận động quần chúng, phát huy sức mạnh tham gia của cộng đồng đặc biệt là của cán bộ thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, các địa phương phải tiến hành rà soát, nắm chắc chắn nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo của từng hộ, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể, thích hợp nhằm tạo thuận lợi cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững; mỗi địa phương xây dựng kế hoạch cho các địa bàn trọng điểm. Ví dụ có thể chọn một, hai thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả, phân công mỗi đảng viên, hội viên theo dõi, giúp đỡ 1 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo để giúp hộ thoát nghèo bền vững.
PV: Quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Vĩnh Thạnh ắt hẳn sẽ gặp phải nhiều thách thức, với Vĩnh Thạnh là gì, thưa ông?
Ông Huỳnh Đức Bảo:
Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, dù những năm qua tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện đã giảm vượt so với chỉ tiêu của tỉnh và Nghị quyết HĐNĐ huyện đề ra, nhưng phần lớn những hộ thoát nghèo mới chỉ vừa vượt qua ngưỡng nghèo nên rất dễ tái nghèo.
Hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có nhiều nguyên nhân khác nhau, có hộ thiếu đất sản xuất, hộ thiếu phương tiện sản xuất, hộ thiếu lao động... Nhưng khó khăn nhất vẫn là hộ nghèo có người già cả, neo đơn, không có thu nhập, thiếu lao động, không biết cách làm ăn, không chăm chỉ lao động, thường xuyên uống rượu. Mặt khác, một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, an phận, chưa vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Đó là những thách thức lớn đối với Vĩnh Thạnh trong công tác giảm nghèo bền vững.
PV: Vậy các mục tiêu chính trong công tác giảm nghèo bền vững của Vĩnh Thạnh thời gian tới là gì và đâu là giải pháp chính nhằm đạt được mục tiêu đó?
Ông Huỳnh Đức Bảo:
Xác định công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, huyện Vĩnh Thạnh đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Huyện đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì ở mức 10 - 11%/năm, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm, phấn đến năm 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 10%.
Cụ thể, huyện phấn đến năm 2025 giảm một nửa số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều hiện hành. Hỗ trợ xây dựng nhân rộng trên 10 mô hình, dự án giảm nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, chủ động trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, giúp đỡ nhiều thành viên, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND huyện trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững huyện giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Tín dụng ưu đãi cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ chăm sóc y tế; hỗ trợ giáo dục đào tạo; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo…
Đặc biệt, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiến hành xác định chính xác các nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo (thiếu đất sản xuất, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu kiến thức sản xuất, thiếu kỹ năng sản xuất, thiếu lao động); xác định các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (Bảo hiểm y tế, giáo dục, nước sạch vệ sinh, thông tin, nhà ở...), từ đó chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên hộ nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
"Các địa phương phải tiến hành rà soát, nắm chắc chắn nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo của từng hộ, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể, thích hợp nhằm tạo thuận lợi cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững”
Ông Huỳnh Đức Bảo