Có mặt tại “điểm đen” về ô nhiễm môi trường này để ghi nhận thực tế, PV Báo TN&MT quan sát thấy những hoạt động và việc xả thải, phả khói đen cùng khí độc hại trực tiếp ra môi trường của các cơ sở này. Tại ven bờ sông thủy lợi Điện Biên (thuộc xã Hồng Tiến - Khoái Châu), đây là điểm giáp ranh với xã Xuân Chúc (huyện Ân Thi), có 02 cơ sở tái chế phế thải. Khu vực ven hai bờ sông tập kết rất nhiều các loại phế thải như bao rứa, dây cao su, túi ni lông… cùng hơn chục công nhân đang miệt mài làm việc. Tất cả đều được vệ sinh qua rồi cho vào lò đốt với các biện pháp thủ công khiến không gian xung quanh bao trùm bầu không khí khét lẹt, ô nhiễm đến khó thở, tức ngực.
Ông Đỗ Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Hai cơ sở trên là của gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn (HKTT tại thôn An Lạc xã Đồng Tiến, Khoái Châu) và gia đình ông Hoàng Văn Bẩy (HKTT tại thôn Vân Cầu xã Hồng Tiến, Khoái Châu). Cả hai cơ sở này đều tự ý lấn chiếm đất đai rồi xây dựng trái phép nhà xưởng, sản xuất tái chế phế thải không phép từ nhiều năm nay. Trong suốt quá trình hoạt động vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, UBND xã cũng đã vài lần nhắc nhở đối với các cơ sở này. Ngày 22/9/2016 UBND xã đã mời chủ của 02 cơ sở này đến để tiến hành lập biên bản giao trách nhiệm cho các hộ vi phạm ngừng hoạt động sản xuất và tự tháo dỡ toàn bộ những công trình vi phạm xong trước ngày 15/10/2016.
Chỉ đạo thực hiện “cứng rắn” là vậy, nhưng không hiểu vì sao, các cơ sở này vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động cho đến tận thời điểm hiện tại?. Ông Lê Ngọc Đích, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu cho biết: "Chúng tôi cũng nắm được vấn đề này từ lâu và cũng rất “bức xúc” nhưng chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý và cưỡng chế dứt điểm. Một phần vì hiện nay bộ máy chính quyền xã Hồng Tiến đang gặp rất nhiều vấn đề, có biến động. Đợi ổn định tổ chức, chúng tôi sẽ có biện pháp cụ thể để phối hợp nhằm xử lý triệt để tình hình, cũng không thể để tình trạng này kéo dài thêm lâu được nữa."
Có thể thấy, những sai phạm về xây dựng, về ô nhiễm môi trường tại địa phương này đã “rõ như ban ngày” và kéo dài từ trước năm 2012 đến nay đã đến mức trầm trọng. Trong khi còn chờ bộ máy chính quyền “ổn định” để xử lý dứt điểm vấn nạn này, thì biết bao người dân nơi đây vẫn hàng ngày “gồng mình” để sống chung với ô nhiễm, phải đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm từ khói thải. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần có ngay những giải pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm vấn đề này, không làm gia tăng những bức xúc trong nhân dân, thiết lập việc thượng tôn pháp luật trên địa bàn.