Khoái Châu (Hưng Yên): Gần thập kỷ vẫn chưa xây xong ngôi trường

28/04/2018 14:09

(TN&MT) - Gần thập kỷ trôi qua, người dân xã Liên Khê, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn hẳng mong ngóng, ngôi trường mầm non của xã được hoàn thiện đưa vào sử dụng, để con em mình không còn cảnh phải ở trong điểm trường, hội trường thôn sập xệ, chật chội… Nhưng không hiểu sao, ngôi trường vài năm lại thi công một ít theo kiểu “nhỏ giọt” và nay, đến khi gần hoàn thiện, lại tạm dừng thi công bỏ hoang cho cỏ dại. Mọi người chỉ biết lắc đầu “ngao ngán” và chẳng muốn nhắc đến trường học mầm non được xây theo kiểu “kỳ lạ” như vậy.

1 (1)
Trường Mầm non xã Liên Khê xây dựng 7 năm mới hoàn thành được 1/3 khối lượng công việc

Về xã Liên Khê, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) khi hỏi người dân ở đây về trường mầm non của xã, chúng tôi chỉ nhận được tiếng thở dài, cái lắc đầu “ngao ngán”… bà Lê Thị Hoa, thôn Cẩm Khê, nói một cách mỉa mai: “Các anh hỏi làm gì, người dân chúng tôi chẳng ai nhớ trên địa bàn xã mình được xây dựng trường mầm non nữa. Trước đây, các ông cán bộ xã, huyện về nói là quy mô, đẹp và hoành tráng…! Bởi nó đã được khởi công xây dựng gần chục năm nay, hoàn thiện xong phần đổ mái, thì chẳng thấy “bóng dáng” công nhân xây dựng đâu. Trường bỏ dở dương cho cỏ dại mọc um tùm, đang xuống cấp nghiêm trọng, chẳng ai dám bước chân vào vì sợ rắn, rết. Chúng tôi không biết nguyên nhân do đâu, chỉ biết rằng con cháu mình hiện đang phải học nhờ ở các hội trường thôn, các điểm trường rách nát, chật chội và không đảm bảo vệ sinh. Nhiều gia đình có con trong độ tuổi 5 tuổi phải đưa con đến học tại điểm trường cách xa gần 2km. Trong khi đó, trường mầm non được xây dựng tiền tỷ, lại được làm như kiểu “mèo vườn chuột” khiến dư luận bức xúc, đã thường xuyên kiến nghị chính quyền địa phương, nhưng chính quyền xã trả lời công trình chủ đầu tư là UBND huyện Khoái Châu. Việc thi công, tiến độ công trình như thế nào là do huyện chỉ đạo, xã không nắm được.”

2
Không có chỗ để các cháu nuôi dưỡng, học tập nhà trường phải mượn hội trường các thôn

Dẫn chúng tôi đến thăm điểm trường thôn Kênh Hạ, cô Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Nhà trường, buồn rầu chia sẻ: “Trường mầm non Liên Khê hiện nay có 384 cháu ở các độ tuổi, 22 cán bộ, giáo viên và công nhân viên. Do không có trường chính học tập trung, nên hiện nay các cháu phải học tại 2 điểm trường thôn và nhà trường mượn tạm 2 hội trường thôn để phục vụ cho việc chăm sóc, dạy dỗ. Điều kiện học tập của các cháu hết sức khó khăn, bởi các phòng có diện tích chưa đầy 15m2, nhưng phải phục vụ cho lớp có từ 35 – 37 cháu và cũng là chỗ ăn ngủ, sinh hoạt luôn của các cháu. Nhìn các cháu phải học tập, sinh hoạt và ăn ngủ chen chúc mà thấy thật thương tâm, nhưng chẳng biết làm như thế nào, nhất là các cháu trong độ tuổi 5 tuổi phải học tập trung (theo công tác Phổ cập giáo dục mầm non) do không có đủ phòng hiện vẫn phải học ở hai điểm trường (thôn Kênh Hạ, Cẩm Khê). Các gia đình ở xa phải thuê xe cho con đi học, phòng học xây dựng đã lâu, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, tuy đã được chính quyền cấp kinh phí sửa chữa, cũng chỉ là “vá víu” tạm mà thôi! Bao năm qua, Các thầy cô trong trường hàng ngày vẫn mong ngóng có được ngôi trường khang trang, nhưng càng mong càng thêm thất vọng, vì từ khi khởi công xây dựng (năm 2011). Hàng năm, ngôi  xây dựng dở dang “nhỏ giọt” cho tận đến 6 năm sau (2017) công trình mới được đổ mái tầng 1 và nay lại tạm dừng bỏ hoang, không biết đến bao giờ được thì lại được thi công tiếp, các cháu nay vẫn phải học trong phòng không đủ điều kiện, không có phòng chức năng, khu vui chơi…”

3
Do các phòng không đủ, chật chội các cháu mầm non xã Liên Khê phải ngủ nghỉ chen chúc

Đại diện chính quyền địa phương, ông Đoàn Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã, ý kiến: Chính quyền địa phương và người dân xã Liên Khê đã rất vui mừng, phấn khởi khi được huyện Khoái Châu quan tâm đầu tư xây dựng trường học mầm non vào năm 2011, nhưng kết quả đến nay đã gần 7 năm xây dựng thì vẫn phải “chờ”. Trường mới hoàn thiện được khối lượng 1/3 công việc, nguyên nhân xã được nhà thấu cho biết là do thiếu vốn, nên có được tiền đến đâu thì thi công đến đấy. Xã Liên Khê là xã điều kiện khó khăn của huyện, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, là giúp cho xã dần tạo đà phát triển về lâu dài. Huyện quan tâm đến xã, thì phải có giải pháp kịp thời để nhà thấu tiếp tục thi công đưa trường đi vào hoạt động, không thể để mãi tình trạng như hiện nay kéo dài “dở dở. ương ương”. Khiến cho thiệt hại đủ đường, các cháu không có chỗ được nuôi dưỡng, chăm sóc tử tế; trường bỏ không được hoàn thiện đang hàng ngày xuống cấp và mỗi năm giá cả vật liệu tăng làm thiệt hại tiền của Nhà nước. Đề nghị chính quyền, huyện, tỉnh quan tâm và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, để nhà thầu tiếp tục thi công hoàn thiện công trình, bàn giao cho xã đưa vào sử dụng, không thể để mãi tình trạng như hiện nay, gây phản cảm và dị nghị, ý kiến của người dân, về một công trình xây dựng kiểu “rùa bò” như vậy!
 

Vậy nguyên nhân vì sao, một ngôi trường xây dựng đã gần “một thập kỷ” vẫn chưa hoàn thành, trách nhiệm thuộc về ai. Có phải do thiếu vốn vì lý do khách quan, hay nguyên nhân gì khác…?.
 

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoái Châu (Hưng Yên): Gần thập kỷ vẫn chưa xây xong ngôi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO