Khoa học Trái đất đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Khương Trung | 11/02/2022 13:17

Sáng 11/2, Hội nghị Khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 “Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu chào mừng sự kiện lớn này.

Tham dự Hội nghị có GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên; GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các nhà khoa học hàng đầu về khoa học Trái đất ở các điểm cầu trực tuyến trên thế giới.

small_6l0a8321.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu chào mừng Hội nghị 

Hội nghị Khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 “Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Tổng cục Khí tượng thủy văn và các trường đại học đối tác trong nước, Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ và các trường Đại học, các Viện nghiên cứu từ Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, phối hợp tổ chức. Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 được tiếp nối chuỗi 7 Hội nghị trước đó kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững, Hội nghị khoa học quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 là nơi để các nhà khoa học, công nghệ, nhà quản lý và các doanh nghiệp từ các nước trên thế giới trao đổi và thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học Trái đất, công nghệ địa môi trường, năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng và kinh tế để tìm ra giải pháp bảo vệ Trái đất từ các biến động toàn cầu, khu vực và địa phương để phát triển, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững..

Nền móng cho phát triển bền vững

small_bt-phat-bieu.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 “Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững”

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này, đồng thời, khắc phục những sai lầm trong khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và làm khí hậu biến đổi, Hội nghị đã lựa chọn ý tưởng chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

“Việc quy tụ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Khoa học Trái đất trong và ngoài nước cũng như liên kết các bộ môn khoa học cơ bản như địa chất, khí tượng, thủy văn, hải văn sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phải nghiên cứu toàn diện các quy luật tự nhiên của Trái đất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông qua Chủ đề của Hội nghị, Bộ trưởng chia sẻ, gợi mở một số nội dung chính để các nhà khoa học cùng thảo luận, xây dựng và nhận được nhiều đóng góp đổi mới, sáng tạo từ tư duy đến đối tượng nghiên cứu và phương pháp luận nghiên cứu của các nhà khoa học khoa học Trái đất quốc tế và Việt Nam,

Cụ thể, trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay, đặc biệt là để góp phần phục hồi sau đại dịch, giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, tình trạng khẩn cấp toàn cầu về khí hậu đặt ra yêu cầu khoa học Trái đất phải đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh mới. Từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá Trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội mà không tuân theo quy luật tự nhiên, khoa học Trái đất cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên; chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi tự nhiên.

Bên cạnh đó, các ngành khoa học Trái đất cần tăng cường liên kết trong nghiên cứu, khám phá đầy đủ, toàn diện các giá trị, thông tin khoa học, dữ liệu lịch sử từ kho tàng địa chất, luận giải được lịch sử hình thành, phát triển của Trái đất, từ đó, có được những hiểu biết sâu sắc về Trái đất cũng như bài học kinh nghiệm từ những biến cố trong lịch sử để dự báo tương lai nhằm thích ứng, giảm nhẹ những thảm họa.

Ngoài ra, các nhà khoa học Trái đất cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ các-bon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ trưởng hoan nghênh, đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội nghị này và mong muốn sau Hội nghị này sẽ nhận được những khuyến nghị của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam để đóng góp cho Chính phủ Việt Nam vể triển khai các cam kết với quốc tế về môi trường và khí hậu, cũng như các giải pháp công nghệ cho khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên.

Thúc đẩy phát triển đất nước trong thời đại mới

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 được tổ chức theo hình thức kết hợp offline và online với sự tham dự của 100 nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trường Đại học và Viện Nghiên cứu trong nước và nước ngoài tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Australia… Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/2/2022 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, số 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

small_6l0a8346.jpg
PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị khoa học Hanoi Geoengineering 2022 hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khoa học Trái đất để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Hội nghị đã thu hút được 51 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. 

Các chủ đề của Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 tập trung vào các chủ đề chính gồm: Khoa học Trái đất, công nghệ địa kỹ thuật, địa chất sinh thái cho phát triển kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn: các nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; khắc phục môi trường; giảm chất thải, nước thải và khí nhà kính; giảm thiểu thiên tai và chống chịu với thiên tai; phục hồi môi trường và thiên tai; chống chịu với thiên tai và tăng trưởng xanh; phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và các địa hệ; công nghệ thủy văn (quản lý nước thải và xử lý nước), giảm ô nhiễm vi nhựa.

Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và kinh tế tuần hoàn: Tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); khai thác bền vững và sử dụng sáng tạo các năng lượng truyền thống (than, dầu và khí); khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; du lịch sinh thái, bảo tồn di sản thiên nhiên; mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phân phối và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Giải pháp cho kinh tế tuần hoàn và nâng cao tính bền vững: các giải pháp khoa học và công nghệ; giải pháp thể chế và chính sách; nâng cao năng lực và hợp tác cho phát triển bền vững, duy trì tính bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chống chịu; các giải pháp chuyển đổi số và công nghệ sáng tạo, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ chuỗi - khối, phân tích dữ liệu).

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 nhằm tạo môi trường học thuật để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững nhằm cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng thúc đẩy phát triển đất nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030 đó là “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đây là định hướng của Đảng, phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu khách quan có tính quy luật và có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào thực tiễn.

small_6l0a8221.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thay mặt ngành TN&MT tôn vinh và trao tặng GS Mai Trọng Nhuận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thay mặt ngành TN&MT tôn vinh và trao tặng GS Mai Trọng Nhuận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Giáo sư. Bộ trưởng trân trọng cảm ơn và tri ân những đóng góp của GS Mai Trọng Nhuận.

GS Mai Trọng Nhuận hiện là Chuyên gia cao cấp của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam. Ông là nhà khoa học đầy tâm huyết, GS đã có ý tưởng với cùng với các nhà khoa học của Đại học Kyoto và Học viện Công nghệ châu Á tổ chức và duy trì Hội nghị quốc tế về khoa học Trái đất trong suốt 20 năm qua. Đồng thời, GS Mai Trọng Nhuận cũng là người gắn bó với ngành Tài nguyên và Môi với rất nhiều đóng góp quan trọng về ý tưởng khoa học, giải pháp công nghệ môi trường, khí hậu cho ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học Trái đất đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO