Khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo

28/08/2018 10:47

Là một trong những nước có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) to lớn, nhưng đến nay, NLTT ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến tháng 6/2018 đã có 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020 và 1.770GW những năm sau đó. Còn với các dự án điện mặt trời trên mái nhà có tổng số 748 dự án với tổng công suất 11,55MW.

Còn theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam hiện nay, nguồn năng lượng truyền thống đang suy giảm dần do trữ lượng có hạn và nhu cầu sử dụng ngày càng lớn. Chính vì vậy, việc tăng cường đầu tư cho NLTT là một trong các giải pháp tối ưu. Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Nước ta có tiềm năng lớn về phát triển NLTT do tài nguyên có sẵn, phân bố khắp đất nước.

năng lượng tái tạo
Ảnh minh họa

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007), Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Còn theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch điện VII sẽ đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020 và khoảng 6.200MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Trà Vinh vừa chấp thuận chủ trương cho 3 nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng.

Ông Lâm Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho biết: Dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt ngày 19/5/2016. Hiện nay dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư với mục tiêu là đưa vào vận hành trong quý I/2020.

Tiềm năng và sức hút của NLTT là như vậy, nhưng trong thực tế, quá trình triển khai các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là lộ trình điều chỉnh và thực hiện chính sách giữa các bộ, ngành.

Đơn cử như Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thủ tục hợp đồng mẫu, thủ tục đấu nối nhưng điện mặt trời vướng câu chuyện thuế VAT mà chỉ Bộ Tài chính mới có thể giải quyết, đồng thời quy định pháp luật về điều kiện để các hộ gia đình tham gia sản xuất, trao đổi và kinh doanh điện khá rắc rối… Đây không chỉ là câu chuyện của Bộ Công Thương, mà còn là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng.

Còn ông Trần Phước Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần phải có một chính sách phù hợp hơn, đảm bảo công khai minh bạch hơn kể cả vấn đề công khai về thông tin, tiềm năng, đặc biệt công khai về vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh điện mặt trời trong cả nước.

Ông Hiền cũng mong muốn, Bộ Công thương nên sớm hoàn chỉnh quy hoạch điện mặt trời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong phát triển điện mặt trời tại Quảng Ngãi nói riêng và trên cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời như: Mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, các chứng nhận về inverter, chưa có cơ chế rõ ràng cho người bán điện với người mua… đặc biệt là đối với những dự án điện mặt trời trên mái nhà cũng đã được các nhà đầu tư phản ánh thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO