“Khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là Bác Hồ”

18/05/2019 17:12

Để phác họa chân dung Bác Hồ một cách chân thực nhất, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương đã đọc rẩt nhiều sách viết về Bác, những câu chuyện kể về cuộc đời của Bác - đó chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật khơi nguồn sáng tạo giúp cho họa sĩ hình dung và thể hiện Bác qua những nét vẽ cụ thể. 

Họa sĩ  Đỗ Mạnh Cương sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là họa sĩ được rất nhiều công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam và những người sưu tập ở nước ngoài biết đến. Xu hướng sáng tác của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương là theo xu hướng hiện thực và hiện thực hiện đại. Xuyên suốt trong các tác phẩm tranh của ông đều mang phong cách sáng tạo đa dạng. Ông luôn tìm tòi những thủ pháp mới, bố cục, màu sắc độc đáo và những mô-típ ký hiệu ngôn ngữ biểu đạt để mang đến cho người xem cảm nhận về nội lực thôi thúc cuốn hút trong nghệ thuật.

Trong sự nghiệp sáng tác tranh hiện thực của mình, ông đã vẽ nhiều đề tài khác nhau. Trong đó đề tài về tinh thần lao động gắn với công cuộc xây dựng đất nước, đó là những công trình xây dựng, các nhà máy, xí nghiệp… đây cũng là một góc tự sự mà tác giả muốn nói về đời sống công nhân của mình và các anh chị em công nhân khác thời gian trước đây, bằng tấm gương yêu nghề, yêu lao động phấn đấu phục vụ cho tập thể và Tổ quốc được khắc hoạ rõ nét trong từng tác phẩm của ông theo thời gian.

Ngoài ra Hoạ sĩ Đỗ Mạnh Cương còn có thế mạnh khác, đó là vẽ tranh cổ động. Theo họa sĩ, tranh cổ động phải vẽ bố cục đơn giản, khái quát, thể hiện rõ chất đồ họa, màu sắc phải mạnh. Nói về đề tài ông say mê nhất khi vẽ tranh cổ động, ông nói: “Với tôi, khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là đề tài Bác Hồ”.

tranh co dong ve bac ho 1558148734540
Tranh cổ động: Theo con đường Bác Hồ đã chọn của Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Bức tranh “Theo con đường Bác Hồ đã chọn” là tranh cổ động do Ban văn hóa Tư tưởng - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công ty Mỹ thuật Trung ương xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/1990). Qua bức tranh, họa sĩ muốn thể hiện mong muốn của Bác khi còn sống. Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc. Trước khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy, trong bức tranh này, họa sĩ thể hiện tất cả các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng: học tập, lao động sản xuất... Tất cả các hoạt động được lồng trong hình ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, cũng thể hiện nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.

tranh co dong ve bac ho 2 copy 1558149003300
Tranh cổ động: Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tranh cổ động “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại!” được họa sĩ Đỗ Mạnh Cương sáng tác nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2005). Bức tranh cổ động được chuyển thể từ một bức vẽ sơn dầu do họa sĩ Đỗ Mạnh Cương sáng tác khi công tác tại Sài Gòn. Bức tranh vẽ hình ảnh Bác Hồ đang chung vui cùng thiếu nhi các dân tộc, các vùng miền thể hiện tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi và sự vui mừng, lòng biết ơn, sự yêu mến, kính trọng thiếu nhi dành cho Bác.

tranh co dong ve bac ho copy 1558149876142
Tranh cổ động: “3/2/1930 – 3/2/2010/ 2/9/1945 – 2/9/2010” của họa sỹ Đỗ Mạnh Cương. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tranh cổ động “3/2/1930 - 3/2/2010/ 2/9/1945 - 2/9/2010” là bức tranh được họa sĩ Đỗ Mạnh Cương sáng tác năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng và chào mừng 65 năm ngày Quốc Khánh của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

tranh co dong ve bac ho 3 copy 1558149876189
Tranh cổ động: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của họa sỹ Đỗ Mạnh Cương. (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tranh cổ động “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” được họa sĩ  Đỗ Mạnh Cương sáng tác nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là Bác Hồ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO