Khí tượng Thủy văn Việt Nam – 75 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Tuyết Chinh| 29/09/2020 15:00

(TN&MT) - Đó là chủ đề Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam 03/10/1945 – 03/10/2020. Sự kiện đánh dấu sự hình thành, công nhận của toàn xã hội đối với lĩnh vực Khí tượng Thủy văn (KTTV), một lĩnh vực khoa học có tính ứng dụng, được gây dựng từ công sức đóng góp, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, quan trắc viên, dự báo viên… hoạt động trong lĩnh vực KTTV trên khắp mọi miền đất nước.

Có những trang số liệu phải trả bằng máu…

Trả lời báo chí nhân Kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (KTTV) cho biết, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của ngành KTTV đã qua nhiều lần thay đổi; song ở bất cứ giai đoạn nào các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành luôn nêu cao tinh thần yêu nước, vừa dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ tổ quốc; vừa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngành KTTV

Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cán bộ của Ngành đã theo Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc vừa tham gia chiến đấu, sản xuất, dậy học vừa chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ tương lai của Ngành.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ – Ne – Vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, các hoạt động KTTV bắt đầu phát triển mạnh mẽ để phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong suốt thời kỳ lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngành đã khôi phục phát triển mạnh mẽ mạng lưới quan trắc với hơn 400 trạm khí tượng, hải văn, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, thám không vô tuyến... Đồng thời, đề xuất với Đảng Nhà nước đẩy mạnh phong trào Thủy văn Nhân dân, đã có 600 xã ở miền Bắc làm thủy văn nhân dân do đó đã đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống lụt, bão, xây dựng và chiến đấu bảo vệ Đất nước.

Nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là duy trì cho được sự hoạt động liên tục của mạng lưới trạm KTTV. Ngành đã xây dựng các phương án ứng phó kịp thời với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trạm KTTV dã chiến, nhiều trạm Thủy văn dự bị đã được xây dựng; các quy trình, quy phạm quan trắc, đo đạc, mã luật, điện báo trong thời chiến cũng được găp rút biên soạn.

Các cán bộ KTTV trên mọi nẻo đường Tổ quốc, giai đoạn 1954 - 1975

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, nhờ có sự chủ động với những biện pháp tích cực để đối phó với chiến tranh, mặc dù qua 8 năm chiến tranh phá hoại ác liệt ở Miền Bắc, đã có 40% số trạm bị bắn phá ác liệt, có trạm bị bắn phá hàng chục lần, nhưng không có trạm nào bị gián đoạn quan trắc. Những số liệu quan trắc hàng giờ, vẫn được truyền kịp thời về các Trung tâm dự báo KTTV để phục vụ phòng chống thiên tai và phục vụ chiến đấu của các binh chủng như: Hải quân, Phòng Không – Không quân, Công Binh ở Miền Bắc và đóng góp tích cực vào việc mở đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển phục vụ cuộc chiến đấu chống Đế quốc Mỹ giải phóng Miền Nam.

“Có những trang số liệu đang khai thác hôm nay đã phải trả bằng máu của gần 40 cán bộ, quan trắc viên KTTV, trong đó có 20 cán bộ được công nhận là liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quan trắc, chiến đấu dưới làn bom đạn Mỹ”, GS.TS Trần Hồng Thái chia sẻ.

Trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc và Phía Tây Nam cũng như khôi phục đất nước sau chiến tranh, mạng lưới trạm KTTV của Ngành tiếp tục được phát triển ở những vùng núi cao, đảo xa như Bãi nổi Huyền Trân, Trường Sa, Phú Quý, Thổ Chu, Côn Đảo, Song Tử Tây, Mường Tè, Hoàng Su Phì... góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên các tỉnh Biên giới, nơi hải đảo và vùng Biển Đông. Trạm Khí tượng, Thủy văn, Hải văn luôn là những điểm chốt quan trọng vừa tác nghiệp vừa sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, Ngành vẫn đang bảo quản khai thác hệ thống biểu báo, quan trắc của các Trạm Khí tượng Hải văn như Hoàng Sa từ những năm 1950...

Quan trắc viên trạm khí tượng kiểm tra thiết bị quan trắc

Hoạt động dự báo thời tiết của ngành không chỉ phục vụ người dân và các ngành kinh tế xã hội mà còn phục vụ cho các hoạt động quốc phòng an ninh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên lãnh thổ và lãnh hải. Thông tin KTTV được xem như một trong các công cụ đặc biệt quan trọng làm đầu vào, hỗ trợ các chính sách quyết định phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia và sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực và địa phương.

… không thể thiếu cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Với hoạt động tác nghiệp của ngành, từ những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ người dân trong sinh hoạt thường nhật, đến những bản tin dự báo chuyên dùng cho các ngành kinh tế, sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp hay vận tải hàng không KTTV) và các sản phẩm dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững và ổn định xã hội của mỗi quốc gia.

Cho đến nay Ngành KTTV đã và đang bảo quản tuyệt đối an toàn với 40 trạm có chuỗi số liệu dài 100 đến 135 năm, hàng trăm trạm có chuỗi số liệu dài từ 20 năm đến 50 năm đó là tài sản vô cùng quý giá của Quốc gia, là nền tảng cho việc nghiên cứu khoa học, phục vụ chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão, lụt...

Thiết bị phục vụ khảo sát di động

Đặc biệt, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, ngành KTTV định hướng hiện đại hóa các phần mềm, mô hình dự báo lũ, lũ quét, sạt lở đất trên cả nước; tối ưu mô hình hồ chứa bao gồm tích hợp quy trình vận hành liên hồ; tích hợp các mô hình vào hệ thống hỗ trợ dự báo thủy văn; thí điểm dự báo lũ dựa vào tác động; cảnh báo ngập lụt và ô nhiễm cho các đô thị lớn và khu vực đông dân cư…

Mỗi một sản phẩm KTTV là những thông tin hữu ích phục vụ cho đời sống dân sinh hằng ngày và những thông tin KTTV trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời, là những nền tảng quan trọng cho các ngành kinh tế trọng điểm phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước.

Chủ động công nghệ cho phát triển bền vững

Với vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, GS.TS Trần Hồng Thái cho rằng, đầu tư cho Ngành KTTV cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về KTTV cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, để đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời, các thiết bị máy móc đã được nâng cấp với công suất cao hơn, tự động hóa nhiều hơn, và vấn đề mấu chốt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cán bộ KTTV sẽ làm việc với hàng trăm nguồn dữ liệu thông tin khác nhau từ các trạm quan trắc, từ vệ tinh, từ radar, từ các nguồn chia sẻ của bạn bè quốc tế, sẽ cần giải bài toán xử lý số liệu lớn, phải nắm vững và làm chủ cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các phương pháp đồng hóa xử lý số liệu, khai thác sử dụng số liệu (data mining), và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong từng khâu của quy trình tác nghiệp.

Trung tâm Điều hành tác nghiệp KTTV

Do vậy, ngành KTTV luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư vào con người, liên tục ưu tiên tuyển dụng cán bộ giỏi, có năng lực đồng thời tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao, trao đổi kiến thức và công nghệ với các đối tác đào tạo.

Trước thực tiễn ngày càng gắt gao hơn, nếu dự báo kịp thời và chính xác sẽ đưa lại những lợi ích rất cao nhưng ngược lại, nếu dự báo không sát thực sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. “Việc không ngừng tăng cường và hiện đại hóa các công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là thách thức lớn đối với cán bộ, viên chức người lao động toàn ngành và cũng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Tổng cục KTTV”, GS.TS Trần Hồng Thái cho biết.

Trong giai đoạn tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.

Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Và đê thực hiện, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành KTTV đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác KTTV. Từ đó, tạo ra thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, làm sao tiến tới mục tiêu quan trọng là xã hội hóa ngành KTTV.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV đã đạt được trong 75 năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trao tặng cho ngành nhiều phần thưởng cao quý, như:
- Huân chương Lao động hạng Ba tại Quyết định số: 09/LCT ngày 07 tháng 3 năm 1962 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
- Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành KTTV theo Quyết định số 569 KT/CTN, ngày 06 tháng 9 năm 1995 của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Huân chương độc lập hạng Nhất vào năm 2002 cho cho cán bộ, công chức, lao động Mạng lưới KTTV theo Quyết định số 938/QĐ-CTN ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chủ tịch nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí tượng Thủy văn Việt Nam – 75 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO