Ngành TN&MT

Nâng cao tri thức đội ngũ khoa học ngành KTTV: Hợp tác quốc tế - điều không thể thiếu

Hoài Thu (thực hiện) 07/03/2024 - 10:02

(TN&MT) - Để giải quyết vấn đề khí hậu môi trường toàn cầu, công tác hợp tác quốc tế là hoạt động không thể thiếu của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) nhằm nâng cao tri thức đối với đội ngũ khoa học ngành KTTV và phát triển mối quan hệ hợp tác đa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH).

anh-1.jpg
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

PV: Thưa bà, hợp tác quốc tế đã hỗ trợ thế nào cho việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học ngành KTTV của Viện KTTV&BĐKH?

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, công tác hợp tác quốc tế của Viện đóng vai trò rất quan trọng. Những nội dung được chú trọng để nâng tầm đội ngũ khoa học của Viện là hợp tác trong nghiên cứu, tập huấn đào tạo, và đăng bài trên các tạp chí quốc tế.

Trong đó, Viện có những đề tài nghiên cứu, dự án cấp bộ, cấp Nhà nước và có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học gốc Việt Nam hiện đang công tác tại nhiều trường và viện nghiên cứu ở các quốc gia. Viện cũng tham gia phối hợp xây dựng cũng như bước đầu đề xuất các dự án, đề tài của nhiều đối tác nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật, Úc, Đài Loan, Hàn quốc, Canada…

Thông qua hợp tác nghiên cứu, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt, nhất là kỹ năng lập và sử dụng mô hình, thuật toán và công nghệ hiện đại, kỹ năng lập trình và viết các bài báo quốc tế trên những tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS... Hợp tác thông qua hội thảo quốc tế, tập huấn, đào tạo cũng là cơ hội để các cán bộ trẻ tiếp cận những kiến thức mới một cách nhanh nhất, cũng như tăng khả năng trao đổi với các nhà khoa học quốc tế, nâng cao khả năng trình bày những kết quả nghiên cứu.

PV: Xin bà cho biết, thời gian qua, Viện đã có những công trình nghiên cứu khoa học, dự án phối hợp quốc tế nào nổi bật và có thể đưa vào áp dụng thực tiễn?

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Kết quả hợp tác mới đây nhất của Viện là với Đại học Quốc gia Seoul (SNU-WS) trong nghiên cứu “Xây dựng mô hình nguồn mở HEC-RAS dự báo và cảnh báo ngập lụt cho lưu vực sông Ba theo công nghệ Hàn Quốc”. Nghiên cứu nhấn mạnh, để phòng chống lũ lụt, việc dự đoán dòng chảy trên sông, đặc biệt là lưu lượng đỉnh lũ trong các trận lũ là vô cùng quan trọng.

Do lưu lượng sông được tích lũy bởi nhiều quá trình phức tạp, gồm lượng mưa, dòng chảy trên đất liền, dòng chảy thượng nguồn và nước ngầm nên rất khó để nắm bắt chính xác dòng chảy. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế của hầu hết các mô hình dự báo lũ hiện nay, cần kết hợp nhiều quá trình vào một hệ thống mô hình. Nhiệm vụ khó khăn nhất của kỹ thuật ghép nối là xử lý các phạm vi không gian và thời gian từ các quá trình khác nhau. Trong nghiên cứu này, kỹ thuật ghép nối đã được áp dụng để tích hợp 3 phần mềm mã nguồn mở khác nhau là mô hình thủy văn (HEC-HMS), mô phỏng hệ thống hồ chứa (HEC-ResSim) và mô hình phân tích hệ thống sông (HEC-RAS) thành một hệ thống hoàn chỉnh trên cơ sở sử dụng ngôn ngữ Python để giải quyết việc phòng chống lũ cho lưu vực sông Ba. Mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra một hệ thống mô phỏng thiết thực, hiệu quả và mạnh mẽ mới để kiểm soát lũ lụt không chỉ cho lưu vực sông Ba mà còn có thể mở rộng cho bất kỳ hệ thống sông nào ở Việt Nam.

Với sự hợp tác của các chuyên gia Hàn Quốc, các chuyên gia của Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ để xây dựng thành công hệ thống mô hình tự động chạy kết nối liên hoàn các mô hình nhằm cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt ở hạ lưu lưu vực sông Ba, đồng thời, hệ thống mô hình có khả năng mở rộng cho các lưu vực khác. Kết quả của nghiên cứu đã được bàn giao cho Tổng cục KTTV.

Hiện nay, Viện đang triển khai hợp tác “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hòa hợp (Blending technique) kết hợp với đồng hóa độ phân giải cao dự báo cường độ, quỹ đạo bão, gió mạnh và mưa lớn trong bão trên khu vực Biển Đông và Việt Nam” với các chuyên gia của Cơ quan khí tượng Đài Loan - Trung Quốc. Đây là một trong những dự án hợp tác quan trọng khác của Viện. Trong dự án này, các chuyên gia Đài Loan - Trung Quốc trực tiếp chuyển giao và hướng dẫn cho cán bộ của Viện thuật toán Blending để tạo trường đầu vào mới, tốt hơn đối với mô hình dự báo bão HWRF cho khu vực Việt Nam. Dự kiến sau hợp tác này, Viện sẽ vận hành được mô hình dự báo bão riêng cho khu vực Biển Đông với trường đầu vào phù hợp để cải thiện chất lượng dự báo bão, mô hình sẽ được thử nghiệm cho mùa bão năm 2024, sau đó sẽ chuyển giao cho Tổng cục KTTV.

Bên cạnh đó, kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2025 đang bắt đầu được Viện nghiên cứu xây dựng theo các Kịch bản phát thải mới SSPs theo công bố của IPCC 2020, cùng với sự phối hợp với nhiều các đối tác nước ngoài như UK MetOffice, MRI Nhật bản, CSIRO Úc, AFD Pháp, CORDEX-SEA. Sự phối hợp này rất quan trọng nhằm đạt được nhiều nhất các phiên bản mô hình được chi tiết hóa cho khu vực Việt Nam và với độ phân giải cao hơn cho một số khu vực trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị lớn, từ đó Kịch bản mới sẽ được xây dựng dựa trên tổ hợp của nhiều mô hình khu vực với xác suất xảy ra cao hơn, và chi tiết hóa hơn.

anh-2.jpeg
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà tham gia sự kiện bên lề với chủ đề “Huy động nguồn lực tài chính khí hậu, nâng cao năng lực và chuyển giao đổi mới công nghệ” trong khuôn khổ COP28

PV: Nhằm đẩy mạnh năng lực chuyên môn, nâng tầm tri thức đội ngũ khoa học ngành KTTV&BĐKH, Viện có những định hướng, chính sách phát triển như thế nào trong việc phối hợp, kết nối với những đơn vị, đối tác quốc tế, thưa bà?

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Trước mắt, Viện cần duy trì đủ số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ để đảm bảo các mã ngành đúng quy định và phải đẩy mạnh năng lực đội ngũ nghiên cứu viên của Viện. Do đó, Viện xây dựng chiến lược thu hút, mời gọi các Tiến sĩ về công tác, nhất là các Tiến sĩ tốt nghiệp tại các trường ở nước ngoài, cũng như khuyến khích các cán bộ của Viện nâng cao trình độ học vấn lên Tiến sĩ thông qua các chương trình học bổng, đào tạo trong nước hoặc học ngay tại cơ sở của Viện.

Công tác đào tạo Tiến sĩ tại Viện hiện đang định hướng liên kết với các giảng viên ở các trường, viện nước ngoài và trong nước. Trong đó, chương trình đồng hướng dẫn của Viện tạo điều kiện để nghiên cứu sinh có thể trau dồi thêm về chuyên môn và ngoại ngữ tại nước ngoài.

Sau đó, để đội ngũ Tiến sĩ công tác tại Viện có thể phát huy hết khả năng, trình độ, tiếp cận với những kiến thức công nghệ mới, Viện đã xây dựng những định hướng nghiên cứu lớn, mang tính dài hơi để đề xuất các đề tài khoa học công nghệ các cấp. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế, bao gồm cả đa phương và song phương, với nguồn tài trợ từ chính phủ các bên và các quỹ quốc tế, phi chính phủ.

Đặc biệt là các đề xuất đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, hiện nay Viện đang phối hợp với đối tác Nhật là Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES) và Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES) ứng dụng mô hình AIM nhằm định kỳ cập nhật các kịch bản phát thải các-bon thấp và tiến hành đánh giá tác động của các kịch bản trên đến kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Kết quả của hoạt động này sẽ hỗ trợ việc định kỳ cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCS) của Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác 3 bên cũng sẽ được chú trọng, ví dụ như đối với lĩnh vực KTTV, Viện sẽ phối hợp với Viện Toán cao cấp và đối tác nước ngoài để cùng nhau giải quyết những bài toán mô hình và sử dụng công nghệ học máy, AI để nâng cao chất lượng của các mô hình dự báo KTTV.

Thông qua những đề tài và dự án hợp tác chung, đội ngũ nghiên cứu của Viện chắc chắn sẽ có những tiếp cận mới, theo kịp với xu thế trên thế giới thông qua những trao đổi, hội thảo, tập huấn, chuyển giao tại Việt Nam và các bên đối tác, sau đó cùng nhau có những công bố quốc tế có giá trị.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao tri thức đội ngũ khoa học ngành KTTV: Hợp tác quốc tế - điều không thể thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO