Khát mảng xanh

Phương Anh| 07/07/2022 08:52

(TN&MT) - Chúng ta đang bước vào cao điểm của mùa hè. Cuộc sống của các cư dân đô thị đang bị đảo lộn vì nắng nóng. Đây là phần nào hệ lụy từ việc tỷ lệ cây xanh, mặt nước đang giảm nhanh trong những năm gần đây, kéo theo đó là sự bùng nổ của tầng tầng lớp lớp những khối nhà chọc trời.

Hôm nay, bê tông hóa được coi là sự phát triển tích cực về mặt kinh tế và xã hội nhưng, xét về mặt trái, nó lại tác hại đến môi trường sống. Cụm từ “bê tông hóa” nội hàm của nó đã nói lên sự không thân thiện với môi trường sống. Bê tông hóa những năm gần đây được đẩy mạnh phát triển trên nhiều hình thức, trong đó, vùng đô thị đã đi đầu như nhà cao tầng, đường phố, sân chơi, vỉa hè đều bằng bê tông.

Đã có không ít những dự án lớn tầm quốc gia đều được gắn mác “bê tông hóa”: đê điều, kênh mương, đường nông thôn… Nhiều phát triển khác liên quan đến bê tông như đô thị hóa nông thôn, phát triển khu công nghiệp, mạng lưới đường quốc lộ, sân bay bến cảng. Diện tích bê tông hóa xây dựng phát triển ra bao nhiêu, có bấy nhiêu diện tích đất đai cỏ cây tự nhiên bị biến mất. Với tốc độ phát triển bê tông như hiện nay, đến một lúc nào đó, núi đá cũng vơi đi, đất đai dành cho cỏ cây lại bị bê tông hóa đá!

mang-xanh.jpg
Ảnh minh họa

Ở mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng. Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, đô thị phát triển, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy. Cứ thử hình dung, một ly nước mát có thể bỏ tiền mua ngay được thì bóng cây ven đường phải chờ nhiều năm mới có. Có lẽ, chỉ khi chịu cái nắng cháy da mới biết trân quý bóng cây tán lá ven đường.

Điệp khúc câu chuyện dành khoảng trống cho những mảng xanh “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Thế nhưng ở thời buổi "tấc đất, tấc vàng", nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên khoảng trống mà chỉ chăm chăm chồng lên cho thật cao tầng những khối bê tông nặng trịch. Giữa bản vẽ quy hoạch với những “khoảng trống” và cuộc sống của những người sẽ sống trong đó có một khoảng cách khá xa.

Thực tế, cư dân đô thị đã quen gặp nhiều khoảng trống, với ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Có những khoảng trống giúp nới rộng khung trời đủ cho người ta quên nhanh những tù túng, nhơ nháp của tuyến kênh xưa đen đặc ken dày nhà sàn ổ chuột… Cũng từ đó, người ta cũng quên nhanh những trầy trật của nhà thầu thi công cùng những tai tiếng dây dưa về ban quản lý dự án.

Lại có những khoảng trống làm người dân... mừng hụt, bởi lầm tưởng một khu đất giải tỏa ở ngã ba, ngã tư đông nghẹt nào đó sẽ biến thành khoảng xanh công viên, chứ không phải mọc lên một công trình xây mới chình ình, ham hố choán thêm tầm mắt người qua lại.

Trong vòng lẩn quẩn đó, bao năm nay, những câu chuyện lựa chọn xây mới bất luận phải phá bỏ không gian xanh đã đi vào tâm thức của người dân tại không ít đô thị, trở thành những tiếng thở dài mà chưa được hồi đáp. Nỗi lo thiếu cây xanh trong đô thị từ lâu đã lớn hơn lời cảnh báo. Bởi theo chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20 - 25m2/người, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị là 2 - 3m2/người, nghĩa là cây xanh đô thị ở nước ta chỉ bằng 1/5 - 1/10 tiêu chuẩn thế giới.

Một đô thị phát triển không thể thiếu đường giao thông hiện đại, thiếu nhà cao tầng, thiếu những công trình đồ sộ. Nhưng một đô thị hiện đại văn minh cũng không thể vắng thiên nhiên mà cây xanh là yếu tố quan trọng nhất.

Đô thị phải hy sinh những hàng cây cổ thụ để phục vụ cho những dự án giao thông hiện đại. Đó là điều cần chấp nhận trong niềm luyến tiếc của người dân. Nhưng cần hơn cả là việc rút kinh nghiệm để thay đổi tư duy ứng xử với mảng xanh để đón đầu bước phát triển của đô thị hiện đại, nơi con người có thể sống thịnh vượng bên cạnh những hàng cây xanh mát vững vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát mảng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO