Xã hội

Khẩn trương xử lý điểm sạt lở tại thị xã Kinh Môn

Theo TTXVN 19/07/2023 - 22:06

Ngày 19/7, vị trí sạt lở tại khu dân cư Nhẫm Dương thuộc phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) được chính quyền địa phương tích cực khắc phục.

Chú thích ảnh
Chính quyền địa phương sử dụng máy xúc để cậy gỡ những hòn đá to và vạt taluy núi giáp đường, giảm độ dốc để đưa khu vực này về trạng thái an toàn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Ông Trần Hồng Túc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Duy Tân cho biết, sau trận mưa to cuối tháng 6/2023 và đặc biệt là cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 1, rạng sáng 18/7 đã xảy ra hiện tượng sạt lở rìa núi đoạn dốc Nhẫm Dương sang phường Tân Dân. Đoạn sạt trượt có chiều dài hơn 60m thuộc dãy núi phía Tây Nam Cúc Tiên phường Duy Tân và nằm dọc tuyến đường liên phường Duy Tân - Tân Dân. Giáp chân núi không có rãnh thoát nước nên mỗi khi mưa là toàn bộ nước trên núi chảy xuống mặt đường, chảy xuống nhà 4 hộ dân, gồm 16 nhân khẩu đang sinh sống giáp vị trí đường.

Ngày 17/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Kinh Môn đã có công điện về việc ứng phó với bão số 1, trong đó yêu cầu các địa phương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, phường đã báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã về điểm sạt lở này.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, phường đã báo cáo tình hình với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Kinh Môn. Đánh giá đây là tình huống khẩn cấp, thị xã Kinh Môn đã chỉ đạo địa phương nhanh chóng có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Kinh Môn, phường Duy Tân đã và đang tích cực triển khai biện pháp xử lý để khắc phục điểm sạt lở. Cụ thể, huy động máy xúc, máy đục để cạy gỡ những hòn đá to và vạt taluy núi giáp đường, giảm độ dốc để đưa về trạng thái an toàn. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến việc khắc phục xong trong 2 ngày tới.

Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở gần khu vực sạt lở, Ủy ban Nhân dân phường đã thông báo và ký cam kết với người dân tuân thủ việc di chuyển khi có cảnh báo tình huống xấu. Ngay trong tối 18/7 các hộ đã chủ động sơ tán đề phòng mưa bão. Đồng thời, địa phương đã tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lắp đèn đường đoạn qua điểm sạt lở để người dân và các phương tiện cẩn trọng khi lưu thông qua đây.

Về lâu dài, đại diện phường Duy Tân mong muốn thị xã, tỉnh quan tâm để xây dựng mương thoát nước dọc đường, xây bờ kè để đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu vực lân cận, cho người dân lưu thông qua tuyến đường liên phường kết nối phường Duy Tân và Tân Dân.

Chú thích ảnh
Chính quyền địa phương sử dụng máy xúc để xử lý khu vực bị sạt lở. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống sạt lở trước và trong mùa mưa lũ. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, đặc biệt là thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn cần chú ý các khu vực giáp đồi, núi, sườn dốc, các mỏ khai thác khoáng sản, các hồ đập có nguy cơ mất an toàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao; kiên quyết di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu; có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giấy phép về khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, hồ... theo thẩm quyền, để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, chất đốt, máy móc, thiết bị trái phép, không có phép; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trình đang thi công, nhất là các công trình ở ven sông, suối, ao, hồ, kênh, đồi, núi...; đình chỉ việc xây dựng nếu không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Về lâu dài, phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, kế hoạch, cấp phép xây dựng các dự án, công trình tại các khu vực xác định có rủi ro thiên tai nhằm khắc phục tình trạng gia tăng rủi ro thiên tai, đặc biệt là sạt lở; chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, nhà máy, xí nghiệp tại khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu về sạt lở và báo cáo kịp thời; Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và triển khai Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt; đề xuất các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới trong xử lý sạt lở các công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai. 

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã quản lý chặt chẽ việc khai thác đất, đá, cát, sỏi lòng sông. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến đường thuộc trách nhiệm quản lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương xử lý điểm sạt lở tại thị xã Kinh Môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO