Hiện toàn quốc có hơn 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip, với khoảng 40.000 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh BHYT.
Đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ, thông tin Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, một trong những nhiệm vụ lớn được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao cho cơ quan này là phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, với mục đích lưu giữ các thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cũng như thông tin liên quan đến y tế và an sinh.
BHXH Việt Nam đang tích cực triển khai Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
"Chúng tôi coi việc kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là tiền đề quan trọng. Đây là 2 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ xác định tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và cũng là hai cơ sở dữ liệu liên quan trực tiếp đến thông tin của cá nhân con người," ông Phương nói.
Đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 21 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
"Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung những dữ liệu còn thiếu, đồng bộ để kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối liên thông toàn vẹn giữa hai cơ sở dữ liệu về dân cư và bảo hiểm", ông Phương cho biết thêm.
Đơn cử, từ giữa tháng 3, Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Chị Đỗ Thị Cẩm (trú tại phường Hải Châu 1) chia sẻ, đây là lần đầu chị dùng CCCD để khám bệnh BHYT.
Trước đây, khi đi khám bệnh chị luôn phải mang theo thẻ BHYT, sổ khám bệnh và xuất trình CMND để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD sẽ giúp giảm thời gian và đỡ mang theo nhiều giấy tờ.
BS Nguyễn Cảnh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT đem lại nhiều tiện ích cho người dân vì tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn...
Đã đồng bộ được 40 triệu người
Việc kết nối thành công giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề cho việc sử dụng CCCD và ứng dụng định danh điện tử VNEID trong khám, chữa bệnh BHYT.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 11/02/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của BHXH.
Tính đến nay, số lượng xác thực lấy số CCCD là khoảng 48 triệu trường hợp, số đã xác thực thành công khoảng 32 triệu.
BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai việc sử dụng định danh điện tử VNEID để đi khám, chữa bệnh, thực hiện đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số theo Đề án 06 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có kết nối với Cơ sở dữ liệu gia về bảo hiểm. Kế hoạch đến hết năm 2022, sẽ đồng bộ được toàn bộ số định danh công dân.
Theo khẳng định của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, tất cả các trường hợp định danh đã được đồng bộ, xác thực đều có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh BHYT tại 12 nghìn cơ sở trên toàn quốc. Người bệnh có thể lựa chọn sử dụng thẻ BHYT hoặc CCCD để khám, chữa bệnh.
"Hiện số người tham gia BHYT là 88 triệu người, chúng tôi đã đồng bộ được 40 triệu người, tức là còn khoảng 48 triệu người sẽ tiếp tục đồng bộ. Cả 40 triệu người đều có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh, không phụ thuộc vào CCCD đó có gắn chip hay không. Có gắn chíp thì sẽ thuận lợi hơn bởi chỉ cần quét mã QRcode. Chỉ cần sử dụng CCCD đã đi khám, chữa bệnh được rồi", ông Đào Việt Ánh nói rõ.