Khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ đa dạng sinh học: Bảo đảm đa dạng cho các sự sống trên Trái đất

21/05/2019 11:09

(TN&MT) - Đa dạng sinh học là sự kết hợp của các hình thức sống, tương tác với nhau và với phần còn lại của môi trường, từ đó, làm cho Trái đất trở thành một nơi sinh sống độc đáo của con người. Đa dạng sinh học cũng cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ giúp duy trì cuộc sống của chúng ta.

Ong Cường
Ông Phạm Anh Cường -
Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên
và Đa dạng sinh học 

Chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2019 là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta” nhằm tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học trên thế giới. Để hiểu rõ hơn về Chủ đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường).

PV:Thưa ông, ông có thể chia sẻ rõ hơn ý nghĩa Chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay?

Ông Phạm Anh Cường: Như chúng ta đã biết, sự đa dạng, phong phú của tự nhiên là nền tảng cho sự tồn tại của con người. Đa dạng sinh học đảm bảo năng suất bền vững của đất và cung cấp nguồn gen cho các loài sinh vật trên cạn và dưới biển để làm thực phẩm. Đồng thời, đa dạng sinh học cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng là yếu tố quyết định cơ bản đến sức khỏe con người.

Vì vậy, Chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2019 là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”, nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và tăng cường truyền thông về mối liên hệ giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái, làm trong lành nguồn nước và không có nạn đói.

Đồng thời, Chủ đề năm nay, cũng tôn vinh sự đa dạng, phong phú mà tự nhiên đã cung cấp cho chúng ta, làm nền tảng cho sự tồn tại của con người trên Trái đất.

PV: Việt Nam đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật định các chính sách liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học tương đối chặt chẽ, tuy vậy, thực tế, đa dạng sinh học tại nước ta vẫn đang suy giảm. Tổng cục Môi trường có tham mưu đề xuất gì để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phạm Anh Cường: Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã triển khai thực hiện rất nhiều công việc như: Nghiên cứu, đề xuất để Việt Nam gia nhập các Điều ước quốc tế, xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai các hoạt động về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường dự kiến triển khai các nội dung theo thứ tự ưu tiên là củng cố hệ thống chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học bao gồm: Rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung Luật Đa dạng sinh học; xây dựng Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học cho giai đoạn thực hiện sau năm 2020; tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về đa dạng sinh học; thống nhất hệ thống khu bảo tồn trên toàn quốc và phân cấp, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao ở Việt Nam.

Tiếp theo, chúng tôi tăng cường hệ thống tổ chức quản lý, phân công, phân cấp, trong đó, tăng cường tổ chức, triển khai thực hiện quản lý đa dạng sinh học ở cấp tỉnh, đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học ở địa phương; tăng cường lực lượng thực thi pháp luật về đa dạng sinh học.

Đồng thời, tăng tính hiệu quả thực thi pháp luật như: thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; công khai các thông tin về các vụ vi phạm đa dạng sinh học; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả việc giám sát của cộng đồng; thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi (đối với cán bộ quản lý và cộng đồng).

Cuối cùng là nâng cao nhận thức và xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, hướng dẫn tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; phát huy quyền cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; mô hình bảo tồn mới: vai trò của tổ chức xã hội và cộng đồng; thể chế hóa giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống giáo dục phổ thông; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các vi phạm và hình phạt áp dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ đa dạng sinh học: Bảo đảm đa dạng cho các sự sống trên Trái đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO