Khai thác khoáng sản phải đảm bảo môi trường, an sinh xã hội
Hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) đã dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa, thời gian tới địa phương vẫn đang tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát trách nhiệm của các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lợi – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết thực trạng khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp thời gian qua?
Ông Trần Đức Lợi: Có thể nói Quỳ Hợp là một trong những địa phương có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Trong thời gian gần đây việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã được các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản cũng gặp rất nhiều khó khăn do: Tình hình dịch bệnh, các bất ổn của thế giới với nhiều diễn biến phức tạp… nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu các sản phẩm từ khoáng sản; Giá điện, xăng dầu tăng cao cũng làm tăng chi phí sản xuất; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, lĩnh vực thuế được quản lý chặt chẽ; Việc đăng kiểm xe vận chuyển khoáng sản, kiểm soát việc vận chuyển xe quá khổ, quá tải được tăng cường…
PV:Vậy thưa ông, trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, công tác an sinh xã hội cho địa phương như thế nào?
Ông Trần Đức Lợi: Trong thời gia qua, các doanh nghiêp trên địa bàn huyện nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản nói riêng đã có rất nhiều đóng góp trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương; đồng thời có đóng góp rất lớn cho công tác an sinh xã hội của huyện Quỳ Hợp, cụ thể là:
- Từ năm 2015- 2023, hàng năm các Doanh nghiệp đóng góp cho công tác an sinh xã hội thông qua Mặt trận Tổ Quốc huyện là 28.296.178.708 đồng, trong đó: Tết vì người nghèo là 19.782.107.000 đồng; Hỗ trợ đồng bào, lũ lụt ở miền Trung: 374.583.708 đồng; Phòng chống Covid 19 là 699.488.000 đồng; Sửa chữa, xây mới 120 ngôi nhà với số tiền là 7.110.000.000 đồng; Hỗ trợ sinh kế cho 23 hộ gia đình nghèo với số tiền 330.00.000 đồng…
- Từ năm 2012 đến nay, các DN trên địa bàn huyện cũng đã đóng góp xây dựng các công trình công cộng như: Xây dựng Đền Choọng tại xã Châu Lý với số tiền 11 tỷ đồng; xây dựng chùa La với số tiền 5 tỷ đồng; Xây dựng Tượng đài liệt sỹ xã Châu Hồng, nước sạch, nhà trẻ với số tiền 2 tỷ đồng; Xây dựng Nghĩa Trang liệt sỹ huyện với số tiền 5 tỷ đồng; Xây dựng Hội trường trung tâm chính trị huyện 7 tỷ đồng; Xây dựng kè chống lụt bản Còn, bản Lè Luốm, xã Châu Quang với số tiền 1,7 tỷ đồng…
PV: Xin ông cho biết một số khó khăn, bất cập trong công tác cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn? Những khó khăn, hạn chế về thực trạng khai thác cũng như cơ chế chính sách, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với địa phương là gì?
Ông Trần Đức Lợi: Những khó khăn, bất cập trong công tác cấp phép khai thác khoáng sản, là do địa phương có hoạt động khoáng sản với số lượng lớn. Cả huyện hiện có 82 mỏ được cấp phép còn hạn. Trong đó, có 14 mỏ được cấp giấy phép khai thác quặng và đá kết hợp, 34 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá hoa trắng, 30 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá xây dựng, 01 giấy phép khai thác nước khoáng, 02 mỏ cát sỏi; Có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 47 xưởng sản xuất hộ kinh doanh cá thể.
Thời gian trước đây khi cấp phép khai thác khoáng sản cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phần diện tích khai thác mỏ mà chưa cấp phần khu vực phụ trợ trong hoạt động khai thác mỏ như (đất xây dựng các công trình phụ trợ, nhà điều hành, nhà xưởng, nhà kho, đất dùng cho đổ thải…); công tác bảo về môi trường chưa được đầu tư động bộ, nhất là các cụm công nghiệp, các khu chế tác đá tập trung….; Nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của UBND huyện rất lớn, nhiều lĩnh vực phức tạp: Đất đai, khoáng sản, môi trường; Kinh phí cấp cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, khó khăn nhất là đối với cấp xã...
Về công tác an sinh xã hội của các Doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới các Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm cao hơn nữa với công tác bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nhất là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi an sinh xã hội cho bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động khoáng sản, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
PV: Với những bất cập, tồn tại như trên, xin ông hãy nêu ra những kiến nghị cũng như giải pháp để tháo gỡ những bất cập, tồn tại nêu trên?
Ông Trần Đức Lợi: Trước những bất cập, khó khăn nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An xem Quỳ Hợp là huyện đặc thù về khoáng sản để có chính sách hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, con người... cho UBND huyện. Cụ thể là hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến hoạt động khoáng sản mà không đưa vào cân đối ngân sách hàng năm nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là khoáng sản chưa cấp phép cũng như làm tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, các sở, ban ngành cấp tỉnh cần kịp thời tháo gỡ, có phương án xử lý các khó khăn vướng mắc trong hoạt động khoáng sản để vừa tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác Quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, vừa tránh thất thu thuế cho Nhà nước.