(TN&MT) - Hải Vân Quan - Di tích xếp hạng quốc gia sẽ được khai quật khảo cổ; nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể...
(TN&MT) - Hải Vân Quan - Di tích xếp hạng quốc gia sẽ được khai quật khảo cổ; nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình...
Ngày 10/5, trao đổi với PV Báo Tài Nguyên & Môi trường, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có quyết định cho phép Trung tâm phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan (nằm giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).
Theo đó, việc khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan sẽ được thực hiện từ nay đến ngày 3/9/2018; trên diện tích 600m2.
Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết quả chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Quyết định cũng nêu rõ những hiện vật thu được trong quá trình khai quật tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất phương án phân chia hiện vật, trình Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xem xét, quyết định.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
“Việc khai quật chính thức được tiến hành vào ngày 5/5 sau khi Trung tâm đã cho rà phá bom mìn. Mục đích là làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan. Hoạt động này nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình...”- ông Hải cho biết thêm.
Được biết, Di tích Hải Vân Quan là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc được xây từ thời Trần và được trùng tu dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1826. Sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho khắc ba chữ “Hải Vân Quan” lên cổng hướng về phía tỉnh Thừa Thiên Huế và sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lên cổng hướng về phía Đà Nẵng. Nơi đây mang nét đẹp kỳ vĩ, cổ kính khó đâu sánh bằng. Do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mà một thời gian dài Hải Vân Quan bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.
Vào tháng 5/2017 vừa qua, Hải Vân Quan đã được Bộ VHTT&DL trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và kiến trúc nghệ thuật; nhằm bảo vệ, tôn tạo, trùng tu, phát huy những giá trị vốn có.
Tại sự kiện quan trọng đó, lãnh đạo hai địa phương Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng cũng đã thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ gồm có 6 điều xoay quanh việc phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Cam kết này được xem là bước tiến quan trọng việc quảng bá nâng tầm hình ảnh du lịch của Hải Vân Quan đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết nơi đây đã trở thành một pháo đài quân sự, một cứ điểm phòng thủ từ xa hữu hiệu trong hệ thống phòng thủ quanh Kinh đô Huế; đây thực sự là một trong những quan ải hùng tráng nhất ở Việt Nam.
Trước đó Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường cũng đã từng phản ánh vấn đề môi trường ở Di tích Hải Vân Quan vẫn chưa được giữ gìn tốt; người dân, du khách vẫn còn vô ý thức khi vứt rác thải bừa bãi, vương vãi khắp nơi. Sau đó chính quyền các bên liên quan đã vào cuộc giải quyết tình trạng này...
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.