Khai mở nguồn tài nguyên, vươn mình ra biển lớn

Phạm Thu Hằng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN| 04/08/2022 15:14

(TN&MT) - Tháng 8 năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ra đời đánh dấu một bước chuyển lớn trong công tác quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Kể từ đây, biển Việt Nam, một vùng đất nước rộng lớn đã được tìm hiểu đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng vốn có để hình thành những định hướng quản lý mới trong kỷ nguyên vươn ra biển và làm giàu từ biển.

Tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh

Có thể nói, thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng chính sách pháp luật của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng thành công Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015, tạo hành lang pháp lý triển khai một cách có hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Sự ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng không chỉ đối với ngành TN&MT mà còn biểu thị quyết tâm chính trị của đất nước ta sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

t26.jpg

Thứ trưởng Lê Minh Ngân và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí tặng quà cho cán bộ, viên chức của Trạm ra đa Đồng Hới (Quảng Bình).

Trên cơ sở Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Tổng cục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng từng bước được xây dựng và triển khai trong công tác điều tra cơ bản, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý và cấp phép nhận chìm ở biển; đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm phát triển bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Từ cơ sở pháp lý này, rất nhiều nguồn lực tài nguyên biển đã được khơi thông, điển hình như việc giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân, có nhu cầu đang trở thành một nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia.

Chỉ tính năm 2021, các cấp có thẩm quyền đã quyết định giao 4373.75ha biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển cho các mục đích khai thác năng lượng; sử dụng vùng nước làm cảng biển, cảng dầu khí cảng cá… và các công trình phụ trợ khác; các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển; vùng nước phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động của tàu thuyền du lịch; thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác nước biển làm mát cho các nhà máy; trục vớt hiện vật khảo cổ học; đổ thải bùn nạo vét…

Bên cạnh đó, công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã được 25 tỉnh/thành phố có biển thực hiện, trong đó có 14 tỉnh đã ban hành Quyết định xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển, 6 tỉnh đã cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển.

t26a.jpg
Phó Tổng cục trưởng Phạm Thu Hằng làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Để quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên các hải đảo, các địa phương có hải đảo đang tích cực triển khai công tác lập hồ sơ tài nguyên hải đảo. Đến nay, có 3 địa phương đã lập hoàn thành việc lập hồ sơ tài nguyên hải đảo và 8 địa phương đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên cơ sở bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đã được các địa phương có biển tích cực triển khai. Đặc biệt, một số địa phương đã tổ chức triển khai kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương với những giải pháp phù hợp với điều kiện trên địa bàn (Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang); kiểm soát nguồn thải ra biển bởi các hoạt động từ đất liền (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang).

Thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển, triển khai Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 17/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các địa phương đã chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại các cơ sở trên địa bàn.

Điều tra, phát hiện, xác lập nhiều nguồn tài nguyên biển

Trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, đi đôi với hoàn thiện thể chế, chính sách, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc tìm kiếm tài nguyên và xác định giá trị, tiềm năng tài nguyên biển, đảo. Đó là việc cùng các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc “Đề án Tổng thể điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” và Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030.

Qua hoạt động điều tra, nghiên cứu, đã xác lập được luận cứ khoa học về đặc điểm địa chất qua đó đã củng cố được các cơ sở khoa học để Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra 350 hải lý theo Công ước 1982 mà nước ta là một thành viên.

Trong những năm qua, Bộ TN&MT đã tổ chức thực hiện điều tra thêm được 131.773km2 vùng biển xa bờ (đến độ sâu 2.500m nước) ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tỷ lệ điều tra 1:500.000 lên khoảng 38% diện tích các vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, còn tiếp tục thực hiện các dự án điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển ở tỷ lệ 1:100.000 tại các vùng trọng điểm kinh tế, hoàn thành thêm 20.768km2, tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam; Điều tra cơ bản ở tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 3.023km2 tại 9 đảo/cụm đảo tiền tiêu.

Đồng thời cung cấp các số liệu quan trọng về hiện trạng, dự báo tiềm năng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững như: Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển và hải đồ, trong đó, đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 trên diện tích khoảng 533.06 km2, đạt 53.3% diện tích các vùng biển Việt Nam. Thành lập được một số hải đồ và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ từ 1:100.000 đến 1:5.000 ở khu vực 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng biển ven bờ, các khu vực cửa sông, cảng biển và 9 đảo, cụm đảo tiền tiêu quan trọng. Đến hết năm 2021, đã thành lập được được 46/48 mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang. Đối với đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc bộ đến hết năm 2021 cũng đã thực hiện hiện 2,06/33,91 mảnh.

Phát hiện và đánh giá được tiềm năng khoáng sản, tài nguyên biển như: khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản titan ven biển, kim loại đáy biển và đặc biệt là việc phát hiện thêm các khu vực có dấu hiệu khí hydrate và khu vực chứa dầu khí. Đây là những tài nguyên có giá trị lớn trong phát triển kinh tế biển, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của nước ta trong bối cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt trong khi đó nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Đã khoanh định được 62 vùng triển vọng sa khoáng Titan-Zricon, tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Thuận, Bình Định, Thừa Thiên - Huế với tổng tài nguyên dự báo cấp 334a+334b khoảng 164 triệu tấn (trong đó cấp 334a là 17,2 triệu tấn, cấp 334b là 146,8 triệu tấn).

t26c.jpg

Thả ống phóng lấy mẫu trầm tích biển.

Về vật liệu xây dựng, có 50 vùng triển vọng vật liệu xây dựng (cát xây dựng, cát san lấp), tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài khơi Côn Đảo, Bạch Long Vỹ, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế với tổng tài nguyên dự báo cấp 334a+334b khoảng 196,500 tỷ m3 (trong đó cấp 334a là 12,225 tỷ m3, cấp 334b là 184,275 tỷ m3). Đây là nguồn tài nguyên rất lớn, đáp ứng tốt cho phát triển hạ tầng kinh tế các tỉnh thành có biển cũng như các tỉnh thành Đồng bằng Nam bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Các nghiên cứu, điều tra cũng chỉ ra rằng có 7 vùng có triển vọng khí hydrate. Trong đó 4 vùng phía Nam (vùng biển xung quanh bãi ngầm Tư Chính) đã được ước tính tài nguyên khí hydrate cho các vị trí có triển vọng. Đồng thời, đã ghi nhận các thực thể núi ngầm (với độ cao tương đối vài trăm đến trên một nghìn mét so với độ sâu đáy biển khu vực xung quanh) phân bố rải rác ở đáy biển khu vực các lô dầu khí 129, 130 (là các tiền đề quan trọng để tìm kiếm vỏ Fe - Mn cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cơ quan chức năng có thẩm quyền củng cố hồ sơ để đặt tên cho các thực thể địa lý đáy biển theo quy định của Tổ chức Thủy đạc quốc tế IHO, phục vụ khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, cũng đã đánh giá được toàn diện tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; bước đầu đánh giá được nguồn lợi hải sản theo các tầng tại vùng biển ven bờ của Việt Nam, đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học về hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, cửa sông, đầm phá; phát hiện và bổ sung vào danh mục một số loài san hô mới, đánh giá được hiện trạng và diện tích bao phủ rạn san hô, rừng ngập mặn; xây dựng được bộ bản đồ về hiện trạng phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá ven biển và lập quy hoạch chi tiết 7 khu bảo tồn biển.

Đã điều tra và hệ thống hóa số liệu cơ bản về số lượng, chất lượng tài nguyên đất, nước tại các vùng ven biển và hải đảo; xây dựng được bộ bản đồ về tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái, kỳ quan địa chất vùng biển và hải đảo Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Quần đảo Trường Sa.

Đã tiến hành các công trình điều tra hệ thống các cửa sông ven biển, Khí tượng, hải văn, môi trường biển và Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Vịnh Bắc Bộ: Đã điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường biển tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 800km2 và diện tích 892km2 ở tỷ lệ 1:50.000.

Đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dạng số về tài nguyên, môi trường biển và lưu trữ tại Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia. Hiện đang tiến hành triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia tích hợp, liên thông với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về TN&MT và các cơ sở dữ liệu quốc gia của các ngành, lĩnh vực khác; triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu TN&MT biển của các bộ, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đảm bảo việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu biển đảo của các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

t26b.jpg

Khai thác năng lượng gió biển.

Lực lượng tham gia công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày càng được nâng cao hơn về trình độ để tự chủ trong công tác quản lý và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hợp tác với các nước tiên tiến trên thế giới để điều tra ở một số khu vực biển đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở vùng Biển Đông. Bước đầu đã đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trang thiết bị về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, khảo sát biển và hải đảo.

Song song với đó, trong những năm qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam còn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng mà sự kiện thường niên kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là một điển hình. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2015, sự kiện này được nâng thêm một bước với việc ra đời Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 - 8/6 hằng năm). Và từ đó, Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trở thành sự kiện truyền thông lớn của không chỉ riêng Tổng cục, Bộ TN&MT mà còn lan tỏa rộng rãi trên khắp đất nước.

Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế công tác biển và hải đảo còn rất nhiều khó khăn, bất cập, cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa để trong thời gian tới, công tác xây dựng chính sách, pháp luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện; công tác quản lý khai thác sử dụng biển, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường biển tiếp tục đi vào khuôn khổ; Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030 triển khai có hiệu quả, cùng với khi Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được phê duyệt, đưa vào thực hiện sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu và tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mở nguồn tài nguyên, vươn mình ra biển lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO