Khai mạc phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
(TN&MT) - Sáng 9/5, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp diễn ra trong 4 ngày, cũng là phiên họp cuối cùng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới.
Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 13 nội dung lớn được trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi), sau khi cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tổng hợp cho thấy, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp về dự án luật rất quan trọng này.
Thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dành nghiều thời gian tổng hợp, đánh giá, tiếp thu, tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm trên phạm vi toàn quốc. Theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề lớn, khó, như vấn đề tài chính đất đai, phương pháp định giá đất còn khó khăn, quy định thế nào để đảm bảo tính khả thi, có thể vận hành được trong thực tế.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng liên quan đến hơn 100 dự án luật khác, trong đó liên quan trực tiếp có 22 dự án luật. Uỷ ban Pháp luật đã tổ chức thẩm tra về việc áp dụng pháp luật, để nếu được ban hành ra thì cách thức sửa các luật khác thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, để khi ban hành có thể vận hành được.
Cũng tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Việc kéo dài Nghị quyết về xử lý nợ xấu chỉ được phép kéo dài tối đa đến hết năm 2023, nên dự án luật này phải được xem xét tại kỳ họp thứ 5, và quyết định tại kỳ họp sau, để có hiệu lực thi từ 1/1/2024, tránh khoảng trống về pháp luật về lĩnh vực này.
Một số nội dung quan trọng được Chủ tịch Quốc hội lưu ý cho ý kiến thêm, từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng để xem xét sửa đổi bổ sung cái gì. Từ tực tiễn tái cơ cấu xử lý các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cho vay chéo, rồi vấn đề tài chính các tổ chức tín dụng này như thế nào… Hay vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát, quy trình như thế nào cần rút kinh nghiệm gì không, tránh sai phạm nghiêm trọng quá mới phát hiện ra…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là dự án luật sửa đổi bổ sung 2 luật, được các nước, người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm. Dự án được thực hiện theo quy trình rút gọn, xem xét tại 1 kỳ họp, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết để thể hoá Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Tổ chức quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, đồng thời phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ đã tổ chức 2 phiên họp cho ý kiến về những vấn đề lớn đề xuất. Hiện có một số vấn đề lớn xin ý kiến, về phạm vi điểu chỉnh, tên gọi của Nghị quyết. Nghị quyết 85 trước đây chưa tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Trong mô hình chính quyền đô thị, có một số chức danh không phải do HĐND bầu, mà theo chế độ bổ nhiệm, các chức danh như Chủ tịch UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND cấp quận và thành phố trực thuộc thành phố. Do đó, phạm vi điều chỉnh, tên gọi như thế nào đó để bao quát hết được các nội dung này.
Rồi những điểm mới so với Nghị quyết 85, nhất là về vấn đề hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm; Nghị quyết cũng liên quan đến 3 dự án luật là Luật Tổ chức quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, khi sửa Nghị quyết 85 thì cách chức sửa các dự án luật này thế nào cũng là vấn đề đặt ra. Phương án là sẽ đưa vào điều khoản áp dụng trong Nghị quyết này, kiến nghị Quốc hội quyết định ngưng thời hạn áp dụng của một số điều trong 3 dự án luật này cho đến khi Quốc hội có Nghị quyết mới.
Nội dung quan trọng khác, phiên họp này sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54 đến hết 2023, giao trách nhiệm cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới cho TPHCM trong thời gian sớm nhất, phấn đấu mục tiêu trình Quốc hội xem xét quyết định Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp 5 này.
Dự án này đã được chuẩn bị công phu, dự có 8 chính sách lớn, và Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến vào 27 chính sách cụ thể là những chính sách mới. Trong đó có việc ban hành chính sách để thí điểm xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế…
Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023…