Khai mạc phiên họp cấp cao tại COP16 về đa dạng sinh học
Sáng 29/10/2024 (giờ địa phương) tại thành phố Cali, Colombia, Lễ khai mạc phiên họp cấp cao của Hội nghị COP16, Công ước CBD đã được tổ chức trọng thể với sự chủ trì của Chính phủ Colombia.
Lễ khai mạc phiên họp cấp cao Hội nghị COP16 về Công ước Đa dạng sinh học (CBD) có sự tham gia của các đại biểu là nguyên thủ và Lãnh đạo cấp cao đến từ các quốc gia thành viên công ước, các Công ước quốc tế và các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng thống Colombia ông Gustavo Petro nhấn mạnh những cuộc khủng hoảng môi trường đan xen vào nhau, tàn phá hệ sinh thái và sinh kế, đe dọa sức khỏe con người và làm suy yếu sự phát triển bền vững, kêu gọi sự chuyển đổi nhanh chóng các mô hình kinh tế mới thân thiện với môi trường. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia nhanh chóng cung cấp nguồn tài chính cho các quốc gia đang phát triển để bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường vai trò, trách nhiệm của khu vực tư đối với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học.
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterre khẳng định thiên nhiên chính là cuộc sống của chúng ta, đồng thời kêu gọi các hành động nhằm tăng cường các nỗ lực quốc gia và quốc tế hướng tới mối quan hệ cân bằng và hài hòa với thiên nhiên – bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn, phục hồi, sử dụng và chia sẻ bền vững đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh và sản xuất tích cực với thiên nhiên: năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng và các hoạt động canh tác bền vững; đẩy nhanh thực thi các cam kết tài chính cho các quốc gia đang phát triển, tăng cường sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Với chủ đề “Hoà bình với thiên nhiên”, Phiên họp cấp cao ghi nhận cam kết của nguyên thủ các quốc gia với việc huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng địa phương và người dân bản địa cùng tham gia vào quá trình đảo ngược mất mát đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo tồn các loài động vật hoang dã, tri thức truyền thống và tiếp công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đông thời, cam kết đẩy nhanh việc triển khai Khung da dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (KM GBF) đã được thông qua năm 2022.
Phiên họp cấp cao là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16) và các cuộc họp liên quan
với mục tiêu thu hút sự tham gia của Lãnh đạo các quốc gia và các bên liên quan để đẩy nhanh hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (KMGBF). Bên cạnh việc thể hiện cam kết “Hoà bình với thiên nhiên”, các bộ trưởng cũng sẽ tập trung đối thoại về 04 chủ đề: Thực hiện Khung KM GBF; Tài chính cho Đa dạng sinh học; Đa dạng sinh học và
Biến đổi khí hậu và Hoà bình với thiên nhiên.
Với vai trò là nước chủ nhà của COP16, Colombia đã công bố Sáng kiến của Colombia, "Liên minh thế giới vì hòa bình với thiên nhiên: Lời kêu gọi sự sống". Sáng kiến là lời kêu gọi thế giới cùng hành động để giải quyết các thách thức về môi trường và khuyến khích tăng cường hơn nữa các chiến lược và chính sách để bảo tồn hành tinh và đa dạng sinh học.
Đoàn Việt Nam với thành phần là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan đầu mối quốc gia Công ước CBD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tham dự phiên họp cấp cao. Trong đó, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài làm Trưởng đoàn.
Trong khuôn khổ phiên họp cấp cao COP16, đoàn Việt Nam sẽ tham gia các phiên thảo luận toàn thể; đối thoại chuyên đề Bộ trưởng về thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KM GBF); Tài chính cho Đa dạng sinh học; Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu và Hoà bình với thiên nhiên và các sự kiện quan trọng của COP16. Tại các sự kiện này, Việt Nam đã đóng góp và thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn.
Hội nghị COP16 diễn ra từ ngày 20/10 đến hết ngày
01/11/2024 để thảo luận về những vấn đề quan trọng nhất trong triển khai Công ước Đa dạng sinh học, Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học và Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 23.000 đại
biểu từ các quốc gia thành viên Công ước, các Công ước về đa dạng sinh học và các bên liên quan trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.