Đại hội có sự tham gia của 350 đại biểu, đại diện hơn 53.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến tham dự |
Nhiều thành tích quan trọng
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đầu nhiệm kỳ xảy ra sự cố môi trường biển, cuối nhiệm kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, cơn bão số 5 và trận lũ lịch sử vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù vậy, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, đạt những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp; các ngành, lĩnh vực có bước phát triển tích cực. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình, dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển đô thị được quan tâm. Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được triển khai quyết liệt, có ý nghĩa lớn kể cả về mặt xã hội và kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại Đại hội |
Vị trí đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh" của tỉnh được xác lập và khẳng định. Từng bước phát huy vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo lớn của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là quan tâm, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Nhiều phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; “Xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”...
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp; các trung tâm văn hóa - xã hội chưa phát huy vai trò, vị thế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. ..
“Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, mỗi đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tham gia đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận và quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp có tính đột phá để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ tới. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đang đặt trọn niềm tin vào Đại hội Đảng bộ tỉnh này. Mỗi một đại biểu với bản lĩnh của người cộng sản, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra; nỗ lực đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng”, ông Lưu nhấn mạnh.
Toàn cảnh Đại hội |
Đổi mới để phát triển
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Đảng bộ tỉnh đúc rút để đề ra các giải pháp thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Trong đó, gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng đô thị di sản và phát triển kinh tế; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy giá trị con người Huế. Mục tiêu lớn nhất chính là phát huy hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Có 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 và 6 Chương trình trọng điểm tập trung thực hiện. Đó là chương trình phát triển đô thị bao gồm chương trình di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế; phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và phát triển công nghiệp; phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ; cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Tòng Thị Phóng chỉ đạo tại Đại hội |
Chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong nhiệm kỳ qua và khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất tự hào về sự đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh.
Tuy vậy, Thừa Thiên Huế vẫn còn những tồn tại. Câu hỏi đặt ra là vì sao sự phát triển của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; việc tồn tạo, bảo tồn di tích, các giá trị văn hóa còn chậm; cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình đặt ra; Mặt trận, đoàn thể đã phát huy hết vai trò giám sát, phản biện chưa; sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng vì sao hoạt động chưa tốt?…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Đại hội tổ chức, tập trung thảo luận để làm rõ từng vấn đề cần quan tâm. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng nỗ lực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về sự phát triển của tỉnh. Muốn vậy, cần phải đổi mới tư duy phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh quy hoạch đô thị; tiếp tục chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh...
Các đại biểu quyên góp, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do mưa lũ |
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là 13 liệt sĩ vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đại hội cũng đã tiến hành quyên góp, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị hậu quả nặng nề do mưa lũ...
Đại hội sẽ kết thúc vào ngày 23/10.