Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có 51 di tích đã được xếp hạng (trong đó, 2 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiểm và Đền Ngọc Sơn và di tích thăng long tử trấn Đền Bạch Mã là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 38 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm Khu phố cổ Hà Nội và 37 di tích lịch sử văn hóa, 11 di tích được xếp hạng cấp Thành phố); 33/57 di tích Cách mạng kháng chiến đã được gắn biển công nhận. Bên cạnh giá trị vật thể, các giá trị di sản phi vật cũng hết sức phong phú như: các nghề truyền thống, ẩm thực; nghệ thuật diễn xướng dẫn gian; lễ hội truyền thống,...
Ông Trần Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản luôn được các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và cộng đồng quan tâm. Trong một xã hội luôn vận động, phát triển không ngừng, cách thức bảo tồn, phát huy di sản như thế nào để có tính hiệu quả, tạo ra những sản phẩm giàu bản sắc mà vẫn độc đáo, gần gũi với cuộc sống, không làm tổn hại, biến dạng di sản, không làm cộng đồng hiểu sai giá trị di sản hiện đang là vấn đề bức thiết. Đây chính là câu chuyện về lưu giữ, quảng bá, lan tỏa các giá trị di sản song song với phát triển công nghiệp văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nhấn mạnh yêu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với thành phố Hà Nội, Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong hai Nghị quyết Chuyên đề quan trọng của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Khu Phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là khu “36 phố phường” luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, hấp dẫn của làng nghề, phố nghề Kẻ Chợ, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Với những giá trị di sản còn hiện hữu, Khu Phố cổ Hà Nội luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.
Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Trần Thị Thúy Lan cho biết: Xác định rõ Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ngành du lịch văn hóa. Đồng thời, hướng tới kỷ niệm 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa độc đáo, đặc sắc gồm nhiều sự kiện đa dạng, sáng tạo từ ngày 18/11 - 31/12/2022. Các hoạt động này không chỉ có sự tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công mà còn có sự hỗ trợ từ các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế, chung tay bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản, phục vụ cộng đồng và gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội đã được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử.
Trong đó, tại đêm khai mạc, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình nghệ thuật chủ đề “Muôn nẻo đường tơ”. Tham gia hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, các Nghệ nhân giới thiệu tới công chúng Thủ đô bộ sưu tập Áo dài ngũ thân truyền thống mang tinh thần của trang phục Bắc Bộ được sử dụng nguyên liệu từ làng lụa Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam.
Những hình ảnh của Kẻ Chợ, sông Nhị Hà, đất kinh kỳ,… được tái hiện sinh động trên từng tác phẩm nghệ thuật, cùng với đó là những chiêm nghiệm về thế thái, nhân tình, với những biến thiên, bể dâu của dặm dài lịch sử. Trong đó, với đặc điểm cư dân vùng đồng bằng châu thổ ven các sông lớn, người Việt từ xa xưa đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải.