Dự lễ khai mạc lớp bồi dưỡng còn có Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường - PGS.TS.Nguyễn Ngọc Thanh cùng gần 40 học viên là lãnh đạo và nằm trong quy hoạch lãnh đạo các Sở TN&MT của các tỉnh trên cả nước.
Lớp bồi dưỡng kéo dài 4 ngày (từ ngày 21/12-23/12/2017) và tập trung vào các nội dung chính gồm: Giới thiệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về TN&MT; Yêu cầu cải cách hành chính nhà nước trong ngành TN&MT; Nội dung cơ bản về kinh tế TN&MT; Ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên môi trường; Bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, viễn thám và công tác thanh tra TN&MT.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Qua hơn 15 năm hoạt động, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành TN&MT đã được xây dựng, củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cũng đã được sắp xếp, bổ sung, tăng cường về số lượng và chất lượng và đã từng bước đáp ứng được yêu cầu công tác hiện nay. Ngành TN&MT đã có sự đổi mới nhanh chóng về tổ chức và hoạt động. Việc hợp nhất một số lĩnh vực có liên quan về TN&MT để thành lập Bộ TN&MT theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đã lĩnh vực đã bảo đảm có một đầu mối tập trung, thống nhất giúp Chính phủ quản lý nhà nước về TN&MT; đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của một Bộ quản lý tổng hợp về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường với các bộ, ngành khác giữ vai trò quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Trong công tác xây dựng thể chế, Bộ TN&MT đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT với nhiều luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật TN&MT biển, Luật Khí tượng Thủy văn,… và một hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; đây là yếu tố quyết định trong quản lý nhà nước về TN&MT và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên với bảo vệ môi trường đã gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực với nhau, được thực hiện thông qua việc lồng ghép từ xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… đến triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT; công tác điều tra cơ bản, dự báo đã được gắn kết, lồng ghép các lĩnh vực với nhau nên đã từng bước nâng cao hiệu quả, giảm được chi phí đầu tư, tận dụng được các nguồn lực tổng hợp, trang thiết bị và công nghệ; công tác thanh tra, kiểm tra được đầu tư tập trung, tận dụng nguồn lực…, khắc phục được các hạn chế mà trước đây các lĩnh vực này bị phân tán, rời rạc, do nhiều bộ, ngành quản lý.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong thời gian tới, quản lý TN&MT trước hết và xuyên suốt là nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; với mục tiêu xây dựng ngành TN&MT trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật chính quy, hiện đại và vững bước trên con đường hội nhập khu vực và thế giới. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến định giá, lượng giá đầy đủ, minh bạch; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc và dự báo; hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về TN&MT.
Thứ trưởng cho rằng toàn ngành cần chú trọng xây dựng hệ thống quản lý về TN&MT từ Trung ương đến địa phương theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đội ngũ cán bộ của ngành đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu, từng bước chuyên nghiệp hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa.
“Phải có sự phối hợp rộng rãi và có hiệu quả giữa ngành TN&MT với các ngành khác; giữa các cấp với nhau; đẩy mạnh sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể trong quá trình giải quyết các vấn đề về TN&MT” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.