Phát triển Xanh

Kết nối nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh

Minh Hạnh 05/12/2024 - 17:26

Ngày 5/12, Quỹ VinFuture phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết: Hội thảo là cơ hội để các sinh viên trường Đại học Bách Khoa, các nhà nghiên cứu trẻ kết nối với hai nhà khoa học nữ nổi tiếng là GS. Susan Solomon, đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), và GS. Nguyễn Thục Quyên, đến từ Đại học California (Mỹ). Qua đó, hội thảo muốn truyền cảm hứng để họ tiếp tục tạo ra sự đột phá và đổi mới, hướng tới tương lai bền vững.

466488797_443865368566204_515159934871959498_n.jpg
Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, phát biểu khai mạc hội thảo.

GS. Susan Solomon là nhà hóa học khí quyển được công nhận trên toàn cầu. Nghiên cứu tiên phong của bà đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về sự suy giảm tầng ô-dôn và tác động của chlorofluorocarbon (CFC) đối với vấn đề này. Các nghiên cứu của bà về lỗ thủng tầng ô-dôn Nam Cực đồng thời góp phần định hình các chính sách môi trường toàn cầu.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Thục Quyên là một phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực vật liệu điện tử hữu cơ từ Đại học California. Công trình đột phá của bà về quang điện hữu cơ đã mở đường cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng sáng tạo cho các tòa nhà và nhà kính.

"Cùng nhau, hai người phụ nữ này đã cho thấy sức mạnh của khoa học, tiềm năng của phụ nữ và lời hứa về một tương lai xanh hơn và bền vững hơn. Bằng cách thúc đẩy tính bao trùm, khuyến khích sự hợp tác và nắm bắt sự đổi mới, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai nơi năng lượng bền vững và môi trường xanh", ông Trần Ngọc Khiêm nhấn mạnh.

Theo đó, tại hội thảo, GS. Susan Solomon đã chia sẻ về những nghiên cứu quan trọng của bà đối với sự suy giảm tầng ô-dôn và sự tác động của các hợp chất chứa clo, đặc biệt là chlorofluorocarbon (CFCs), đối với tầng ô-dôn. Bà mô tả quá trình nghiên cứu của mình tại Nam Cực trong những năm 1980, nơi bà và các đồng nghiệp đã ghi nhận sự suy giảm mạnh mẽ của lớp ô-dôn trong các mùa đông và mùa xuân, đặc biệt là ở các khu vực nơi các đám mây phân tầng cực xuất hiện. Qua đó, họ đã chứng minh được mối liên hệ giữa sự gia tăng của khí chlorine trong bầu khí quyển và sự suy giảm lớp ozon.

462646809_1748972969191412_6440956391834259646_n.jpg
GS. Susan Solomon chia sẻ về hành trình khôi phục tầng ô-dôn thông qua các nghiên cứu của bà

Những nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các bằng chứng khoa học, thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế và dẫn đến việc ký kết Nghị định thư Montreal năm 1987, nhằm ngừng sản xuất và sử dụng các chất CFC trên toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình, GS. Solomon cũng chỉ ra rằng tầng lỗ thủng tầng ô-dôn ở Nam Cực đang dần hồi phục. Dù vậy, việc bảo vệ tầng ô-dôn vẫn là một vấn đề quan trọng. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ giúp theo dõi quá trình phục hồi này, dự đoán rằng trong vòng vài thập kỷ tới, tầng ô-dôn có khả năng phục hồi hoàn toàn. Do đó, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, cần tiếp tục các nghiên cứu tiếp theo để giải quyết toàn diện các vấn đề môi trường toàn cầu.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Thục Quyên nhấn mạnh vào tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng.

462641127_460747317057234_5765899900507665789_n.jpg
GS. Nguyễn Thục Quyên phát biểu tại hội thảo

Ở bài phát biểu của mình, GS.Quyên chia sẻ về các dự án nghiên cứu do bà thực hiện, đặc biệt là các công trình về pin mặt trời hữu cơ (OPV) và các ứng dụng tiềm năng của chúng trong việc cung cấp năng lượng cho các khu vực khó khăn và trong các tòa nhà cao tầng. Đồng thời, bà nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự hợp tác và tương tác giữa các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề phức tạp.

462644620_3814090072162258_576580930208048532_n.jpg
Các đại biểu tham gia phiên hỏi đáp tại hội thảo

Tại hội thảo, hai nhà khoa học nữ cũng đã tham gia giao lưu và trả lời câu hỏi của khán giả liên quan tới hai lĩnh vực nghiên cứu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO