Keep Vietnam Clean và hành trình trả lại vẻ đẹp cho Việt Nam

Hoàng Hiền| 27/08/2022 21:02

(TN&MT) - Với tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm với xã hội, bằng những hành động thiết thực và đầy ý nghĩa, Keep Vietnam Clean (KVC) đã miệt mài dọn dẹp, xóa những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, quyết tâm trả lại vẻ đẹp cho đất nước Việt Nam.

Là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi James Joseph Kendall - một giáo viên Mỹ sống lâu năm tại Hà Nội, KVC (ban đầu có tên Keep Hanoi Clean – KHC) đã có nhiều chương trình và hoạt động hết sức ý nghĩa như dọn dẹp, xử lý các bãi tập kết rác tự phát, những “điểm xấu” trên khắp các quận trung tâm của Hà Nội vào mỗi cuối tuần. Các hoạt động này được sự hưởng ứng rất nhiệt tình bởi các bạn trẻ Việt Nam và quốc tế - những “thủ lĩnh xanh” góp phần làm sạch môi trường.

anh-1.jpg
Đội ngũ tình nguyện viên và “thủ lĩnh xanh” của KVC

Ngay từ lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2011, James đã cảm thấy giữa mình và đất nước này luôn có một mối liên kết, một sự đồng điệu. Anh đã sớm coi nơi đây là nhà, là nơi sẽ gắn bó dài lâu.

Trải qua hơn 10 năm sinh sống tại “quê hương thứ hai” này, anh cho biết, Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong vấn đề xử lý rác thải cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo James, nhờ sự phối hợp giữa chính quyền và người dân, những địa điểm trước kia vốn là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, nay đã trở thành những “điểm xanh” tô đẹp cho khu vực; số lượng thùng rác được lắp đặt tại địa điểm công cộng đã tăng lên; nhiều cửa hàng, quán ăn đã bắt đầu sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế cốc nhựa, hộp xốp...

anh-2.jpg

Anh James (áo xanh) và bạn tại một cửa hàng “xanh” tại quận Tây Hồ

Kể từ sự kiện dọn dẹp đầu tiên, KVC đã dọn sạch, thu gom hàng tấn rác thải trên hơn 50 địa điểm ở Việt Nam. Các địa điểm được dọn dẹp trải dài từ trung tâm thành phố Hà Nội đến tận thị trấn Sapa.

Ngoài chuỗi sự kiện định kỳ cuối tuần, KVC còn có nhiều chương trình nổi bật khác như Chương trình Làm đẹp cảnh quan, Giáo dục môi trường, Sống xanh, Nghiên cứu và Chính sách… với những chương trình này, KVC hy vọng sẽ thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với môi trường xung quanh, thay đổi lối sống “xanh” hơn, gần gũi với môi trường hơn, nhằm đem lại lợi ích bền lâu cho mỗi cá nhân và cho xã hội.

anh-3.jpg

Buổi tập huấn thực hành làm nước tẩy rửa enzym từ vỏ trái cây giúp người dân hạn chế số lượng rác thải hữu cơ thải ra môi trường

Nổi bật trong số đó là chuỗi sự kiện diễn ra hằng năm vào lễ ông Công ông Táo. Với khẩu hiệu “đừng để Táo quân mang rác lên chầu”, “thả cá đừng thả túi nilon”, năm 2021, KVC đã thu gom 859,5 kg rác, trong đó có 261,5 kg túi nhựa được gửi đi tái chế

anh-4.jpg
Các đợt ra quân đều có sự hưởng ứng của nhiều tình nguyện viên Việt Nam và các bạn trẻ đến từ các nước khác nhau đang sinh sống tại khu vực.

Một trong những dự án để lại dấu ấn của KVC là Dự án Làm đẹp khu phố Chương Dương thuộc Chương trình Làm đẹp cảnh quan. Nhóm đã phối hợp với chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Chương Dương thực hiện 4 hoạt động chính nhằm biến một bãi tập kết rác tự phát thành không gian công cộng dành cho cư dân địa phương, đặc biệt là trẻ em. Các hoạt động này bao gồm: Quản lý chất thải và nâng cao năng lực xử lý chất thải; Xây dựng một khu vườn cộng đồng và bảo tồn môi trường sống tự nhiên hiện có; Xử lý nước thải cho địa phương; Xây dựng sân chơi mới cho trẻ em. Dự án đã thành công và để lại được dấu ấn trong lòng cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây. Các em nhỏ đã có khu vui chơi an toàn, được hòa mình vào thiên nhiên, người dân không còn phải chịu đựng mùi hôi thối, nước rỉ rác từ bãi tập kết rác tự phát tại địa điểm này.

anh-5.jpg

Dự án đã đem lại niềm vui cho trẻ em tại khu vực phường Chương Dương, Hà Nội

Nhằm khuyến khích cộng đồng hướng tới lối sống “xanh”, đồng thời huy động và bổ sung kinh phí duy trì các hoạt động, năm 2021, KVC cho ra mắt cửa hàng Green Gem Shop (GGS) – Viên ngọc xanh. GGS ra đời cùng với sứ mệnh thúc đẩy lối sống bền vững bằng cách áp dụng 5R: Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse), Tái chế (Recycle), Từ chối khi không cần thiết (Refuse) và Sử dụng với mục đích mới (Repurpose). Đúng với phương châm “cũ người mới ta”, GGS nhận những đồ vật cũ nhưng vẫn còn khả năng sử dụng như quần áo, đồ điện tử, sách, đồ gia dụng… và đưa chúng đến với những chủ nhân mới, đem lại cuộc sống mới cho những món đồ cũ.

Chị Hạnh - một tình nguyện viên của KVC cho biết, lượng khách chủ yếu của GGS là người nước ngoài do văn hóa sử dụng đồ second-hand (đồ đã qua sử dụng) tuy đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, nhưng vẫn chưa được ưa chuộng. Việc sử dụng đồ second-hand sẽ giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm thiểu số lượng sản phẩm bị thải bỏ khi vẫn còn khả năng sử dụng. Ngoài ra, GGS còn có nhiều sản phẩm thủ công tái chế, những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường như chậu cây làm từ vỏ hộp sữa, tre, chất tẩy rửa hữu cơ lên men từ các loại thực phẩm thừa…

anh-6.jpg

Một góc cửa hàng Green Gem Shop

Ngay cả trong khoảng thời gian phải chống chọi với những khó khăn của đại dịch Covid-19, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, KVC vẫn đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ với tổng gần 197 nghìn kilogram rác thải được thu gom qua 6 lần ra quân dọn dẹp, với sự tham gia của 434 tình nguyện viên. Bên cạnh đó, KVC còn tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống xanh cho hơn 130 công dân/lãnh đạo địa phương; tập huấn cách làm phân hữu cơ và xử lý nước thải tại nhà cho 32 hộ gia đình; thu hút 4 quận tham gia vào nghiên cứu khoa học về ô nhiễm cộng đồng.

anh-7.jpg

Các tình nguyện viên đang tiến hành dọn dẹp các bãi rác tự phát

“Tôi muốn thay đổi những thói quen có tác động không tốt tới môi trường của người dân Việt Nam. Mọi thứ chúng ta làm đều có tác động tới môi trường theo một mức độ nào đó. Tôi hy vọng người dân sẽ quan tâm hơn đến lối sống “xanh”. Đi bộ hoặc đạp xe khi có thể, từ chối đồ nhựa mỗi khi có cơ hội, sử dụng ít điện hơn, phân loại rác thải, ăn ít thịt hơn và chú trọng hơn trong việc lựa chọn mua sản phẩm... là những việc đơn giản, dễ thực hiện mà mỗi người dân có thể làm để sống “xanh” hơn. Tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương cộng tác thường xuyên hơn với các tổ chức như của chúng tôi để phối hợp thực hiện các dự án “xanh” cho thành phố” – anh James chia sẻ.

Trên hành trình “giữ Việt Nam sạch”, KVC đã đem lại sức sống mới cho nhiều khu vực, đem lại niềm vui cho cộng đồng. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau – KVC hy vọng nhóm sẽ ngày càng có nhiều thành viên đồng hành trên con đường làm đẹp đất nước, và những việc làm của nhóm sẽ được lan tỏa, để mạng lưới những “thủ lĩnh xanh” KVC sẽ có mặt ở khắp mọi tỉnh thành của Việt Nam, cùng giữ một Việt Nam sạch đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Keep Vietnam Clean và hành trình trả lại vẻ đẹp cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO