Nhiều sai sót!
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, công trình kè chống xói lở bờ biển Tam Quan có chiều dài 2.380m với tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng do UBND huyện Hoài Nhơn làm chủ đầu tư; Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng SPQD thiết kế; Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi) thẩm tra; Công ty TNHH Tân Lập thi công với chi phí xây dựng gần 66,7 tỉ đồng; Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển Bình Định giám sát thi công. Công trình hoàn thành vào đầu tháng 9.2016.
Song đến tháng 12.2016, dưới tác động của triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh gây sóng lớn, cuốn trôi và làm sập 4 đoạn kè với chiều dài 282m. Năm 2018 phát hiện thêm 672m bị hư hỏng. Để tìm ra nguyên nhân cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp cùng Viện Kỹ thuật công trình và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, tìm ra nguyên nhân.
Trên cơ sở đánh giá của Viện Kỹ thuật công trình, Sở NN&PTNT Bình Định, cho rằng: Tuyến kè chống xói lở bờ biển Tam Quan có dạng cong lõm, tại đoạn đỉnh cong của công trình chưa có biện pháp giảm sóng tác động và tăng cường sức chống đỡ cho kè này. Đơn vị tư vấn thiết kế do thiếu kinh nghiệm trong thiết kế đã không có biện pháp gia cố tại các đoạn cong, dẫn tới không đảm bảo sức chống đỡ của những đoạn cong trước tác động bất lợi của sóng, bão. Bên cạnh đó, sai sót trong tính toán thiết kế phần chân kè và thiết kế phần chuyển tiếp giữa chân kè và mái kè đã dẫn tới hiện tượng rút cát trong thân kè, gây sập mái kè. Việc tính toán sai dẫn tới bố trí cao trình đáy chân kè không đạt tới độ sâu xói cực hạn. Hồ sơ thiết kế mô tả trình tự thi công chân kè và mái kè có nhiều điểm bất hợp lý, trái với nguyên tắc thi công, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng chân kè.
“Có thể thấy, đơn vị tư vấn thiết kế chưa có kinh nghiệm đối với các dạng công trình kè có bãi ngang biển động mạnh, nên các thông số sóng thiết kế, các biện pháp gia cố chân và mái kè tại các vị trí xung yếu chưa được chú trọng, dẫn tới hư hỏng công trình”, đại diện Sở NN&PTNT Bình Định, cho hay.
Kết quả đánh giá cũng cho thấy, đơn vị thi công tự ý thay đổi biện pháp thi công chân kè bằng biện pháp đào hở, mở móng để đặt ống buy chân kè cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện trường, nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế bằng văn bản để điều chỉnh biện pháp thi công và tổ chức giám sát chất lượng thi công chân kè. Đơn vị thi công cũng không bơm tiêu nước làm khô hố móng trong quá trình đổ bê tông tại chỗ khối phủ lên các ống buy.
Sai sót còn xảy ra đối với đơn vị giám sát khi không lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên có liên quan khi đơn vị thi công hạ giếng và thi công khối phủ đỉnh ống buy không đúng theo thiết kế. Đơn vị này cũng không giám sát được chất lượng thi công đổ bê tông tại chỗ khối phủ lên đỉnh ống buy. Những sai sót này làm công trình mau chóng hư hỏng.
Suất đầu tư ít (!?)
Sở NN&PTNT cho rằng, suất đầu tư cho 1 km kè biển Tam Quan thấp hơn so với mức trung bình. Theo đó, suất đầu tư trung bình cho mỗi km kè biển thông thường hiện nay từ 50 - 80 tỉ đồng. Đối với những vị trí có bãi ngang biến động mạnh, bờ biển đang bị xói lở như kè Xóm Rớ, xã Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) tới 150 tỉ đồng/km. Trong khi đó, tuyến kè Tam Quan được xây dựng vùng bãi ngang có biến động mạnh, nhưng suất đầu tư chỉ 27 tỉ đồng/km là chưa phù hợp.
Không chỉ có kè Tam Quan bị hư hỏng
Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn kè Tam Quan bị hư hỏng thì hàng loạt kè biển khác cũng bị hư hỏng do thời tiết và cơn bão số 12 như: Kè biển chống sạt lở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Trạch, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); kè biển Xuân Hải, TX Sông Cầu (Phú Yên); kè biển khu vực bãi biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam); kè biển phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận); kè biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình); kè biển huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Kiểm điểm trách nhiệm!
Liên quan tới những sai sót trên, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan, đề xuất các giải pháp khắc phục hư hỏng tuyến kè chống xói lở bờ biển Tam Quan trước ngày 31.12.2018. Trong diễn biến khác, Công ty TNHH Tân Lập đã tiến hành khắc phục ban đầu 250m đoạn kè bị hư hỏng qua xã Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam với chi phí xây dựng 9,8 tỉ đồng, được trích từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ lũ lụt năm 2016, ngân sách tỉnh và vốn ngân sách huyện Hoài Nhơn.
Đại diện Công ty TNHH Tân Lập, cho biết: “Trước mắt, nhà thầu khắc phục đoạn kè hư hỏng xảy ra vào năm 2016. Cao trình cơ bản vẫn giữ theo thiết kế trước đây (cao trình đỉnh tường chắn sóng + 4,50m và cao trình mặt kè + 3,30m). Đến nay, đơn vị đã khắc phục xong 250m. Viện Kỹ thuật công trình (Trường ĐH Thủy lợi) đang kiểm định chất lượng; đồng thời, theo dõi yếu tố sóng, gió để có hướng điều chỉnh và khắc phục phù hợp những đoạn kè bị hỏng hóc còn lại”.