Quyền Tổng Giám đốc IAEA Cornel Feruta đã có bài phát biểu tại Vienna, tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần đầu tiên về BĐKH và vai trò của năng lượng hạt nhân.
Buổi lễ thu hút khoảng 550 người tham gia từ 79 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế nhằm mục đích trao đổi thông tin dựa trên khoa học và tổ chức các cuộc thảo luận khách quan về vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.
IAEA chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân đóng góp khoảng một phần ba tổng lượng điện carbon thấp, thực tế không tạo ra khí nhà kính và khoảng 10% tổng lượng điện sản xuất trên toàn thế giới.
Chất thải phóng xạ và mối quan tâm an ninh phải được giải quyết
Tuy nhiên, IAEA chấp nhận có những lo ngại vẫn hiển hiện dai dẳng về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và môi trường do chất thải phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân gây ra và ông Feruta cho rằng những tiến bộ liên quan đến việc xử lý chất thải này có thể làm giảm bớt nỗi lo về tính bền vững lâu dài của năng lượng hạt nhân.
Cũng phát biểu tại sự kiện trên, ông Liu Zhenmin, Giám đốc Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (DESA) đã nhắc lại những nhận xét của ông Feruta và cho rằng chất thải phóng xạ là một "vấn đề chưa được giải quyết" và cần sớm giải quyết.
Ông Zhenmin cũng nhấn mạnh về sự an toàn hạt nhân mà ông mô tả là "một mối quan tâm cộng đồng quan trọng, đặc biệt sau các sự cố Fukushima ở Nhật Bản và nỗi sợ liên quan đến khủng bố".
“Chi phí lớn cho điện hạt nhân vẫn là một vấn đề quan trọng, trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang tiếp tục giảm giá ngày càng cạnh tranh với các nguồn nhiên liệu hóa thạch thông thường. Đáp ứng chi phí vốn cho việc xây dựng nhà máy hạt nhân sẽ đòi hỏi các cam kết của chính phủ các nước và sự chấp nhận của công chúng” - ông Zhenmin cho biết.
Công nghệ hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong xã hội
Theo ông Zhenmin, công nghệ hạt nhân đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong xã hội. Ông đã chỉ ra một số lợi ích như theo dõi ô nhiễm và hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và các bệnh chính khác. Ông cũng nhấn mạnh công nghệ bức xạ giúp ngăn chặn thực phẩm khỏi hư hỏng và tạo ra các giống cây trồng mới, hỗ trợ thích ứng với BĐKH.
Cả ông Feruta và ông Zhenmin đều đề cập đến nhiệm vụ của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan LHQ cung cấp các báo cáo khoa học, khách quan về BĐKH. Những báo cáo này cho thấy những thay đổi sâu sắc đối với cách chúng ta sản xuất năng lượng sẽ xảy ra nếu chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong các mô hình khác nhau cho một tương lai năng lượng bền vững, IPCC đề cập đến sự gia tăng đáng kể trong sản xuất điện hạt nhân vào năm 2050, từ mức tăng 59% đến 501%.