Theo đó, trong năm 2018, tình trạng khai thác khoáng sản không phép xảy ra tại một số địa phương, cá biệt có địa phương để tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản không phép, đến mức phải xử lý kỷ luật cán bộ, công chức xã do buông lỏng quản lý trong công tác này (Chủ tịch UBND và công chức địa chính xã Ia Bă) hoặc phải kiểm điểm trách nhiệm (Chủ tịch UBND và công chức địa chính xã Ia Hrung). Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở đã phát hiện và xử lý 20 vụ khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu khai thác với quy mô nhỏ, lẻ; trong đó có 15 vụ khai thác đá làm vật liệu xây dựng trái phép; đã xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm là 140 triệu đồng đồng, tịch thu 12.750 viên đá chẻ, 46m3 đá cục, 20m3 đá bazan trụ và 7 búa đập đá thủ công).
Theo đánh giá của UBND huyện Ia Grai, nguyên nhân chủ quan của việc này là do chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực hiện tốt công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản theo phân cấp; chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện để xử lý hoặc đề xuất cấp trên xử lý đối với các trường hợp khai thác khoáng sản không phép; trình độ, năng lực quản lý, điều hành, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, ngành chuyên môn chưa chủ động tham mưu các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn. Mặc dù chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn nhưng UBND huyện chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng trên.
Về công tác bảo vệ rừng, qua rà soát của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm ngày 15/12/2018, tổng số vụ vi phạm lâm luật là 35 vụ (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Trong năm 2018, chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện, xử lý 28 vụ vi phạm đối với các hành vi vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép trên địa bàn (hầu hết tang vật vi phạm có nguồn gốc từ huyện Ia H’Drai hoặc từ nơi khác được các đối tượng vận chuyển qua địa bàn huyện). Bên cạnh một số kết quả đạt được còn tồn tại, hạn chế đó là trong năm để xảy ra 4 vụ khai thác rừng trái phép (tăng 1 vụ so với năm 2017), 2 vụ phá rừng trái pháp luật (tăng 2 vụ so với năm 2017) và 1 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng. Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế đó là tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng (khai thác, phá rừng, cháy rừng) trước hết trách nhiệm chính là của các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, UBND các xã có rừng trong việc quản lý bảo vệ rừng tại gốc; chưa thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định hoặc chủ rừng phát hiện tình trạng phá rừng, cơi nới nương rẫy nhưng không lập hồ sơ để xử lý nghiêm nên chưa tạo được tính răn đe, giáo dục. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng chưa sâu sát đến quần chúng nhân dân; hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động chưa phù hợp với từng đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp thu, nhận thức và chấp hành còn nhiều hạn chế; công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thực sự được xem là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở; chủ rừng (các Ban quản lý rừng phòng hộ) chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Qua kiểm tra và kết luận của đoàn thanh tra tỉnh Gia Lai tại khu vực rừng thông thuộc làng Jút 1, Jút 2 và làng Brel, xã Ia Đêr thì diện tích đất của người dân địa phương khai hoang và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà năm 1999. Tại khu vực kiểm tra, các thửa đất được tách tính từ năm 2011 tới thời điểm hiện nay là 405 thửa trên diện tích hơn 361m2 và đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở nông thôn hơn 22.000m2. Việc tách thửa trên là để tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng trực tiếp; không có hiện tượng tách thửa để phân lô, bán nền. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại đó là lãnh đạo UBND xã Ia Đêr, phòng Kinh tế - Hạ tầng, Đội Quản lý trật tự đô thị xây dựng và Môi trường huyện thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, để một số cá nhân xây dựng nhà không phép, thi công đường bê-tông xi măng trên đất nông nghiệp mà không xử lý vi phạm và không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để theo kết luận Thanh tra số 2405/KL-UBND của UBND tỉnh Gia Lai.
Với những tồn tại hạn chế trên, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan (ông Nguyễn Văn Tài- phó Phòng Kinh tế và hạ tầng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm; ông Trần Văn Lai-đội phó Đội quản lý, trật tự đô thị, xây dựng, môi trường bị kiểm điểm rút kinh nghiệm; ông Nguyễn Văn Thành, Đỗ Minh Công; Nguyễn Ngọc Phương-Tổ Quy tắc đô thị thuộc Đội quản lý trật tự đô thị, xây dựng, môi trường bị hình thức kiểm điểm rút kinh nghỉệm; ông Đặng Lương Minh Điệp-phó Chủ tịch xã UBND Ia Đêr bị hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm). Các tổ chức, cá nhân đã nghiêm túc kiểm điểm và chỉ ra những sai sót, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục kịp thời các sai phạm, đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm không để xảy ra sai sót trong thời gian tới. Đối với sai phạm của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ia Grai, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật khiển trách đối với cá nhân Giám đốc chi nhánh.