Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh): Mạnh dạn đưa nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ vào áp dụng

Đức Cảnh| 24/03/2023 17:03

Cùng với duy trì phát huy thế mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, thời gian qua huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ vào áp dụng. Qua thực tế những mô hình này bước đầu phát triển tốt, mở ra triển vọng để nhân rộng.

Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Minh Khoa thôn 7, xã Đức Bồng là một trong ba mô hình chăn nuôi lợn hữu trên địa bàn huyện Vũ Quang. Sau khi được đi tham quan học tập kinh nghiệm ở Tập đoàn Quế Lâm, anh Khoa đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại khép kín từ hệ thống ăn, uống, quạt làm mát, camera giám sát…

Qua nửa năm triển khai, từ năm con lợn nái và 23 con lợn thương phẩm đến nay đã có hàng chục con lợn xuất bán, lứa đầu tiên, trung bình mỗi con lợi nhuận khoảng 500 ngàn đồng. Theo người chăn nuôi, bước đầu do chưa nắm chắc kỷ thuật nên lợi nhuận chưa cao, khi có kinh nghiệm thì việc thực hiện đơn gian hơn, nguồn thu chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

anh-1.-hu-co(1).jpg
Các cơ quan, đơn vị kiểm tra mô hình hữu cơ trên địa bàn huyện Vũ Quang

Anh Nguyễn Minh Khoa chủ trang trại cho biết: “Việc chăn nuôi theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đảm bảo không bị dịch bệnh, lợn xuất chuồng được tập đoàn bao tiêu không sợ khó khăn về đầu ra, chăn nuôi hợp vệ sinh không ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống xung quanh, lại có được một lượng phân đệm lót sinh học bón cho cây trồng, nên anh đã mạnh dạn mua thêm 3 con lợn nái và 25 con lợn giống về nuôi”.

Được triển khai thí điểm mô hình nuôi cá trên hồ Ngàn Trươi từ tháng 7/2020, với quy mô 14 lồng, mỗi lồng 100m2, các loại cá ban đầu được thả gồm cá lăng, cá leo, cá chép, trắm giòn. Sau bảy tháng nuôi cá lăng, cá leo đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Riêng cá Chép giòn trọng lượng từ 4 đến 4,5kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%, sản lượng cuối vụ xuất bán đạt 25 tấn, thu về khoảng 2,3 tỷ đồng, trừ các chi phí cho lợi nhuận 1 tỷ đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế, huyện Vũ Quang đã phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm cho HTX Nông lâm Thủy sản Vũ Quang, với quy mô 5.400 con giống, trọng lượng từ 80-100g/con; đồng thời hỗ trợ 5 tấn thức ăn và một số chất khoáng, vitamin bổ sung. Kinh phí còn lại các chủ mô hình đối ứng theo yêu cầu của dự án.

anh-2.-hu-co(1).jpg

Huyện Vũ Quang đang triển khai mô hình trồng Na Đài Loan

Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm hiện tại HTX đã tiến hành xuất bán, trọng lượng đạt từ 2 đến 3,5kg/ con, giá bán 300 nghìn đồng/1kg. Quá trình triển khai nuôi thí điểm các loại cá lồng bè trên Hồ Ngàn Trươi cho thấy, phù hợp với khí hậu và nguồn nước, nhất là cá Tầm phù hợp đối với các hồ đập và các khe suối, nơi có nhiệt độ thấp.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông Lâm Thủy sản Vũ Quang, cho biết: “Trong quá trình nuôi, cá Tầm không bị dịch bệnh. Cá Tầm nuôi thương phẩm đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng và giá thành sản phẩm cao. Sau thành công của mô hình, HTX Nông lâm Thủy sản Vũ Quang tiếp tục thả các loại cá, nhất là nhân rộng số lượng, số lồng nuôi”.

Cùng với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, huyện Vũ Quang cũng đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây mới vào trồng, như Na Đài loai, Cây mắc Ca, măng tứ quý, hiện các loại giống cây mới này đang phát triển tốt, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng Na Đài loan.

Qua khảo sát thực tế tại một số mô hình trồng na Đài Loan ở các tỉnh phía Bắc, nhận thấy đây là cây trồng được nhiều vùng trồng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Vũ Quang đã đưa giống cây này vào trồng thử nghiệm trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp có giá trị.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Bước đầu huyện thí điểm mô hình trên diện tích 2,2 ha được trồng thử nghiệm tại 2 xã: Hương Minh (1ha), Đức Hương (1,2 ha), với 16 hộ tham gia trồng theo hình thức tổ hợp tác. Tổng kinh phí xây dựng mô hình hơn 900 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 375 triệu đồng, còn lại là nguồn người dân đóng góp.

“Cùng với hỗ trợ vốn đầu tư, huyện Vũ Quang đã chỉ đạo các phòng chuyên môn trực tiếp hướng dẫn các hộ trồng, bón phân; xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ khu vực sản xuất; xây lắp hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước tại khu sản xuất”, ông Sơn nói.

Đến nay sau hơn một năm trồng cây Na Đài Loan đang phát triển tốt. Mô hình trồng thử nghiệm nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất cho người dân trên địa bàn Vũ Quang, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đặc trưng cho địa phương. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai vào phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

anh-3.-huu-co.jpg
Mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai nhân rộng

Được biết, để khuyến khích người dân tham gia mô hình hữu cơ , huyện Vũ Quang đã ban hành đề án hỗ trợ phát triển. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ một phần giá cây giống, giá phân bón.

Ông Lê Trọng Yêm- Phó Giám đốc Trung tâm ƯDKHKT& BCCT-VN huyện Vũ Quang: Với chủ trương đúng, có các chính sách khuyến khích phù hợp, những mô hình mới ở huyện Vũ Quang đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho việc nhân rộng trong thời gian tới. Trong tương lai không xa, thị trường không chỉ biết đến các sản phẩm đặc sản của huyện miền núi Vũ Quang, như Cam, mật mía, mật ong mà còn biết đến các sản phẩm mới như Cá tầm, Na đài loan, Mắc Ca, tre tứ quý… góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống người dân ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh): Mạnh dạn đưa nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ vào áp dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO