Xã hội

Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh): Tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững

Phạm Hoạch 10/04/2024 - 15:50

(TN&MT) - Trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã triển khai nhiều chính sách phát triển kinh tế, nhất là các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi tạo sinh kế bền vững cho người dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa địa phương thành huyện nông thôn mới nâng cao. Để chia sẻ cách làm, kết quả đạt được, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên.

anh-ty-02(1).jpg
Ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên

Phóng viên: Xin ông khái quát những kết quả đạt được trong việc triển khai chính sách giảm nghèo đối với người dân, đồng bào vùng dân tộc thiểu số gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian vừa qua?

Ông Vi Quốc Phương: Tiên Yên là một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2010, huyện còn 5/11 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 11,99% dân số toàn huyện.

Những năm qua, huyện Tiên Yên tập trung triển khai các chính sách phát triển sản xuất trên địa bàn huyện nói chung và đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bằng những quyết sách đúng đắn, hiệu quả kết hợp với việc khai thác thế mạnh vốn có của địa phương để phát triển ngành lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản đã giúp huyện Tiên Yên có bước phát triển nhanh, bền vững.

Nhờ vậy, thu bình quân đầu người trên địa bàn huyện Tiên Yên không ngừng tăng lên. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Tiên Yên đạt 76,92 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS, miền núi của huyện là 73,8 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 5/12 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Ngay sau khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM nâng cao, toàn huyện Tiên Yên có 69 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,52% tổng số hộ dân toàn huyện; 187 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,40% tổng số hộ dân toàn huyện. Sau hơn 4 năm triển khai, đến hết năm 2023, theo tiêu chí Trung ương, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo, chỉ còn 35 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,26% tổng số hộ dân toàn huyện. Còn theo tiêu chí của tỉnh Quảng Ninh, huyện còn 22 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16% và 183 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,34%.

Phóng viên: Để đạt được những kết quả trên, địa phương đã triển khai những chính sách giảm nghèo gắn với phát triển mô hình phát triển sản xuất như thế nào, thưa ông?

Ông Vi Quốc Phương: Công tác giảm nghèo được huyện Tiên Yên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đưa các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Cụ thể, giai đoạn 2016- 2020, huyện Tiên Yên đã triển khai 192 dự án phát triển sản xuất cho 3.682 người thụ hưởng, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Trong đó, địa phương đã triển khai 31 dự án, mô hình phát triển sản xuất giúp cho 720 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, tập trung vào dự án chăn nuôi gà Tiên Yên, nuôi dê, nuôi lợn.

anh-ty-02.jpg
Bà con DTTS vùng cao khai thác nhựa thông, đem lại thu nhập, nâng cao đời sống

Hiện trên địa bàn huyện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung trên 500 con/lứa, trong đó có trên 10 trang trại duy trì quy mô chăn nuôi trên 5.000 con, có 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, quy mô 70.000- 80.000 con/năm. Nhờ vậy, năm 2023, toàn huyện đã xuất bán 1,27 triệu con gà Tiên Yên. Đặc biệt, có 2 xã trọng điểm trong chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn huyện đó là xã Hà Lâu, xã Phong Dụ, hộ chăn nuôi là 100% đồng bào DTTS, các hộ đã phát triển làm kinh tế, làm chủ trong nuôi gà Tiên Yên, quy mô 200.000 con/xã.

Còn từ năm 2020 đến nay, huyện Tiên Yên triển khai lập 3 Đề án gồm: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng NTM, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái- văn hóa, Đề án phát triển rừng bền vững và Đề án phát triển sản xuất trồng cây ăn quả tập trung. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình khuyến nông, giúp người dân phát triển nghề nuôi cá tầm, nuôi tôm sú, trồng rau súp lơ, trồng cây na, trồng giống lúa thuần chất lượng cao theo hướng VietGap.

Các Đề án và mô hình khoa học công nghệ là tiền đề và định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển sang giai đoạn sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn huyện thời gian tới.

Với các chính sách, mô hình chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân, đã đưa Tiên Yên trở thành huyện NTM nâng cao, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Phóng viên: Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, thưa ông?

Ông Vi Quốc Phương: Thời gian tới, cụ thể trong năm 2024, huyện chỉ đạo tập trung thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đồng bộ, kịp thời, phù hợp với văn bản quy định của Chính phủ và của tỉnh. Phấn đấu, hết năm 2024, giảm 20/35 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, xóa 22/22 hộ nghèo và 95/183 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.

anh-ty-03.jpg
Chăn nuôi giống gà Tiên Yên thương phẩm hướng đi hiệu quả giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững

Để đạt kết quả này, huyện tập trung rà soát các hộ đủ điều kiện để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở và xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh từ nguồn Quỹ vì người nghèo của huyện và nguồn kinh phí xã hội hoá hợp pháp khác. Cùng với đó, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề về đất ở hợp pháp làm cơ sở triển khai hỗ trợ nhà ở từ nguồn quỹ Vì người nghèo, tư vấn cho hộ dân sử dụng nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm hệ thống nước sạch kết hợp công trình phụ khi được hỗ trợ nguồn vốn.

Đồng thời, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các hộ cận nghèo, hộ nghèo để tự vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mong muốn được nghèo để thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn huyện, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh): Tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO