Lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã ghi nhận sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đối với người dân Thái Nguyên sống trên mảnh đất thép anh hùng, họ lại ghi khắc sâu trong trí nhớ câu chuyện về một Đại đội thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại ga Lưu Xá (tỉnh Thái Nguyên) trong khi giải tỏa hàng hóa là một bản hùng ca trường tồn cùng năm tháng.
Huyền thoại về Đại đội Anh hùng
Đại đội 915 thuộc đội 91 TNXP Bắc Thái được thành lập tháng 06/1972 với đại đa số đội viên là thanh niên các dân tộc thiểu số, tuổi đời mới chỉ mười bảy, mười tám. Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi thành lập, Ðại đội đã nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang; cầu Ða Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vường, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh...
Lịch sử còn ghi: Cuối năm 1972, Mỹ leo thang bắn phá miền bắc. Cảng Hải Phòng bị địch phong tỏa, các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị đánh phá hết sức ác liệt. Tuyến giao thông Lạng Sơn-Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền nam. Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) và ga Tu Ðồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền bắc, hàng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn lương thực gửi vào tiền tuyến. Chiều 23/12/1972, Uỷ ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Ðội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giải tỏa lương thực tại ga Lưu Xá. Đại đội TNXP 915 đã xung phong đi làm nhiệm vụ. Trong số những người này còn có cả những người đã bị thương trong trận máy bay Mỹ ném bom ngày 13/9/1972 tại xã Linh Sơn.
Mờ sáng 24/12/1972, từ nơi đóng quân ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, các đội viên Đại đội TNXP 915 do Đội phó đội 91 Nguyễn Thế Cường từ trên đội xuống trực tiếp chỉ huy đã cấp tốc có mặt tại ga Lưu Xá. Ðại đội 915 đã có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những bao gạo, bao ngô nặng 50-100kg. 19 giờ, đội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là lúc 34 chiếc máy bay B52 và 40 chiếc máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom các loại xuống khu nam TP Thái Nguyên. Một loạt bom rải thảm đã đánh trúng vị trí hầm trú ẩn. 60 cán bộ đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh, không nguyên vẹn hình hài. Chỉ 7 người còn sống xót trong sự kiện bi tráng ấy. Một trong 7 người còn sống xót trong đêm mưa bom 46 năm trước là bà Đỗ Thị Hoàn ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên. Khi nhắc nhớ về đồng đội trong đêm Nô-en kinh hoàng ấy, bà Hoàn nói trong xúc động: “Cũng chính vì tình nguyện nhận nhiệm vụ mà anh Mai Như Ý đã hy sinh thay tôi. Anh là Trung đội trưởng rất tích cực và gương mẫu. Trước hôm Noel 1972, anh Ý từ trên nhà xuống sau đợt nghỉ phép để cưới vợ. Hành lý mang theo có 2 con gà và 15 bơ gạo nếp để đơn vị liên hoan. Thấy tôi mệt nên anh đã xung phong đi bốc dỡ hàng hóa thay ở ga Lưu Xá. Tôi ở lại cùng nhóm với Đại đội phó Tống Văn Minh làm nhiệm vụ sửa chữa đường đi Trại Cau. Hôm đó, anh và nhiều đồng đội đã không trở về”.
Với bà Thái Thị Vĩnh (sinh năm 1936, hiện ở tổ 4, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên) sự hy sinh của người chồng, liệt sĩ Nguyễn Thế Cường là mất mát không gì bù đắp được. Bà Vĩnh bồi hồi kể cho chúng tôi về ký ức đau thương xưa: “Hai vợ chồng cùng tham gia TNXP và quen nhau khi còn ở Tây Bắc. Năm 1972, ông ấy đang là Đội phó Đội 91, trực tiếp phụ trách Đại đội 915. Là người trách nhiệm với công việc, lại thuộc diện cao tuổi nhất ở đơn vị nên ông ấy cứ đi suốt lo cho anh em. Tôi ở nhà vừa làm công việc trong Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, vừa chăm lo cho 3 đứa trẻ. Biết tôi vất vả, nên chế độ có gì là chồng mang hết về cho gia đình, chẳng giữ lại cho mình gì cả. Với vợ, ông ấy là người rất bao dung, dù tôi có làm sai điều gì cũng không bao giờ trách mắng. Trong sự kiện tại ga Lưu Xá hôm ấy, ông Cường là người chỉ huy và đã đứng phía ngoài hầm che chắn cho đồng đội. Bom giặc khiến cơ thể ông không còn nguyên vẹn…” Gạt những giọt nước mắt xúc động, bà Vĩnh xúc động nói tiếp: “Trước hôm đó ông ấy có về, bế thằng út là Nguyễn Thái Sơn đứng ở trước cửa nhà bảo tôi, gia đình mình ở chỗ này yên ổn thì cứ cố ở đây mà nuôi con. Không ngờ đó lại là lời dặn dò cuối cùng trước lúc ra đi mãi mãi”.
Đêm noel năm 1972, khi những người theo đạo công giáo ở nước Mỹ vui vẻ, hào hứng chào đón ngày Thiên chúa giáng sinh, tặng cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống, thì Quân đội Mỹ đã mang bom đạn đến Việt Nam, trong đó có Thành phố thép Thái Nguyên để phá hoại giấc mơ đẹp của bao con người yêu chuộng hòa bình. 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915, TNXP Đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Các anh, chị đã ngã xuống trước ngày Hiệp định Pa Ri được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ít ngày sau đó.
Hướng về nguồn cội và tri ân đồng đội
Trong thời gian hơn 7 năm (1965-1972), trên mảnh đất thép Thái Nguyên, giặc Mỹ đã điên cuồng sử dụng 2.711 lượt máy bay F111, F105 và máy bay B52 ném hơn 14.000 tấn bom đạn xuống quê hương cách mạng kiên cường. Nhiều nhà máy, công trình, trường học, bệnh viện, khu vực dân cư bị địch đánh phá dữ dội. Có những ngày bom rơi… như vãi mạ xuống các tuyến cầu, đường quan trọng. Nhưng bầu trời vừa ngớt bom rơi, mặt đường còn đầy khét mùi khói bom, đã í ới tiếng các anh, chị TNXP làm nhiệm vụ san lấp mặt đường cho từng chuyến xe ra tiền tuyến.
Trận bom đêm Giáng sinh (24/12/1972), tại Ga Lưu Xá là một sự kiện đầy bi hùng không thể nào quên. Bởi chỉ trong một khoảnh khắc lịch sử, 60 thanh niên ưu tú, dũng cảm trong cùng một đơn vị đã hi sinh vì Tổ quốc.Tháng 12/2009, khi Đội 915 TNXP Bắc Thái được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nhiều người dân Việt Nam lần đầu tiên biết đến sự hy sinh lớn lao này. Và từ đó đến nay, để ghi nhận đóng góp, cống hiến, hy sinh của các anh, chị, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm đến các hoạt động xây dựng, tôn tạo, bảo tồn Khu di tích Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.
Năm 2018, cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Đại đội TNXP 915. Theo đó Khu Di tích được mở rộng từ 1,1 ha lên 4,75 ha, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Điều trân quý là toàn bộ số tiền xây dựng, tôn tạo, tu bổ Di tích đều được huy động từ nguồn xã hội hoá.
Cùng với các di tích lịch sử TNXP Việt Nam là: Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An), Hang Tám Cô (Bố Trạch, Quảng Bình)... Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thể hiện rõ nét tính đặc thù của cuộc chiến tranh nhân dân. Luôn bảo đảm giao thông thông suốt, làm hậu cần cho tiền tuyến lớn. Tất cả đã đi vào huyền thoại, trở thành một di sản sống động, thiêng liêng. Nhiều người dân trên mọi miền đất nước dù đã đến, hoặc chưa có điều kiện để đến đều biết khá rõ về những giây khắc các anh, chị TNXP “hoá thân thành bất tử”. Để mỗi địa danh ấy trở thành một cung đàn, một quãng nhạc của trường ca ngày nhân dân cả nước ca khúc khải hoàn. Một khúc tráng ca bi hùng, hào sảng, đau đớn mà vinh quang.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hồng Nhung, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã bồi hồi chia sẻ: “Là một trong số 7 TNXP còn sống sau trận bom B52 đêm Noel năm 1972, tôi vinh dự, tự hào được chứng kiến một công trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ TNXP. Tất cả các anh, chị hy sinh trong trận bom đêm ấy là đồng đội tôi, là ruột thịt của tôi. Tôi xin được cảm ơn các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Cảm ơn các nhà thiện tâm đã tài trợ cho tỉnh Thái Nguyên xây dựng công trình thờ tự đồng đội tôi với quy mô hoành tráng, thiêng liêng. Từ nay các anh, chị tôi có nơi chốn đi về. Ở thế giới vĩnh hằng, mong các các anh, chị tiếp tục chỉnh tề đội ngũ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của người TNXP. Và phù hộ độ trì cho quốc thái dân an”.
Tại Chương trình dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái và công bố đưa vào sử dụng công trình tu bổ, tôn tạo Nhà tưởng niệm các TNXP Đại đội 915 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong vào đêm 24/12/1972 là sự mất mát to lớn nhất về người của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong cùng một khoảnh khắc về thời gian. Các chị, các anh đã anh dũng hy sinh, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa xây dựng gia đình, trong đó có nhiều người là dân tộc thiểu số và có người theo đạo Công giáo,… Sự hy sinh đó đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà…..
Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Với những hy sinh, mất mát to lớn đó, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Điều đó luôn nhắc nhở chúng ta càng phải kiên quyết hơn để bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Việc tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc không dừng lại ở những khẩu hiệu, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm lo tốt hơn về cả đời sống vật chất và tinh thần cho các thương, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng…”
Đây là sự tôn vinh xứng đáng đối với 60 cán bộ, đội viên của Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, là một bài học lịch sử quý báu dành cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau. Đó cũng là hành động tri ân lịch sử, trân trọng sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc trường tồn của dân tộc Việt Nam.