Xã hội

Huyện Tân Phú ( Đồng Nai): “Điểm sáng” trong công tác giảm nghèo

Nguyễn Thanh 02/11/2023 - 16:39

(TN&MT) - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành “điểm sáng” trong công tác giảm nghèo của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng.

tan-phu-nong-thon-moi-nang-cao.png
Diện mạo nông thôn mới huyện Tân Phú

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Nguyễn Hữu Kỳ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, trong những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia thực hiện bằng nhiều chương trình, mô hình thiết thực. Đồng thời, huyện đã kết hợp, lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn lực.

Bên cạnh đó, huyện Tân Phú cũng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt nhân rộng mô hình hay, cách làm thiết thực bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên tinh thần tự vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, công tác giảm nghèo bền vững của huyện Tân Phú đã thực sự nhận được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, từ nhiều năm nay Hội Chữ thập đỏ huyện đã triển khai Chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Mô hình đã giúp đỡ nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện có thêm nguồn lực, tạo đà vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong khi đó, Hội Nông dân huyện phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với phong trào Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; Hội Cựu chiến binh với phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Ủy ban MTTQ huyện và các xã, thị trấn tích cực triển khai cuộc vận động Ngày vì người nghèo; Liên đoàn Lao động huyện vận động lập quỹ trợ vốn để tặng quà thăm hỏi, tặng mái ấm Công đoàn… cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn

Nhờ vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tân Phú đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện đã kết hợp với các ban, ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Từ đó, đã hỗ trợ cho hơn 1,9 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay với số tiền trên 87,2 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 21,5 ngàn lượt người nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo với số tiền khoảng 3,4 tỷ đồng. Huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng 146 căn nhà tình thương với số tiền 11,6 tỷ đồng; sửa chữa 14 căn với số tiền 238 triệu đồng. Đến cuối năm 2022, huyện đã tạo điều kiện để 348/348 hộ nghèo A vượt chuẩn nghèo theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

nuoi-tom-tra-co.jpg
Mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (Tân Phú) đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu

Nhân rộng mô hình kinh tế tiêu biểu

Theo ông Đinh Văn Án, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú, một trong những giải pháp để thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã lựa chọn những mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân rộng cho các hộ nghèo cùng tham gia. Những mô hình được chọn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, kiến thức, hoàn cảnh của từng hộ nghèo và có tính khả thi cao. Từ đó, nhân rộng mô hình, vừa tạo được việc làm cho người dân, từng bước giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa bổ sung kiến thức cho các hộ dân tham gia dự án góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo đó, UBND huyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cấp chính quyền, mặt trận và đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ từ công tác lựa chọn mô hình, bình chọn hộ tham gia dự án đến khâu tổ chức kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật theo dõi quá trình phát triển của cây, con giống để có những can thiệp kịp thời; dạy nghề, tăng cường cán bộ thú y cơ sở để phòng trừ dịch bệnh. Song song đó, Tân Phú đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” để nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu.

tan-phu-nong-dan-san-xuat-gioi.jpg
Tân Phú nhân rộng mô hình nông dân sản xuất giỏi giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu

Điển hình, hộ gia đình ông Nguyễn Tấn Đạt - Hợp tác xã Nông nghiệp lúa VietGAP Phú Bình, ấp Phú hợp B – xã Phú Bình, một trong những nông dân luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hơn 20 năm trước, gia đình ông Đạt thuộc diện nghèo của xã, nhưng bằng sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và ý chí vươn lên, không ngừng học hỏi và khát vọng làm giàu chính đáng từ trên mảnh đất quê hương, gia đình ông Đạt đã từng bước vươn lên thoát nghèo và trở thành một hộ gia đình khá giả.

Hiện nay, gia đình ông Đạt đang canh tác 20 ha đất lúa được sử dụng trang thiết bị cơ giới hiện đại. Những cách làm, sáng kiến và kinh nghiệm của ông Đạt đã tiết kiệm được thời gian, chi phí trong sản xuất, công lao động. Không những thế, ông còn tạo việc làm theo thời vụ và thường xuyên cho 30 lao động tại địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ về vốn và cây giống cho một số hội viên nông dân khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Hơn 10 năm trước, cùng một số hộ dân khác tại xã Trà Cổ, gia đình ông Nguyễn Tấn Tài bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm càng xanh. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình nuôi tôm khoa học, ông Tài đã thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh đem lại tiền lãi trung bình hơn 500 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Không chỉ vậy, nhờ học hỏi mô hình nuôi tôm càng xanh của ông Tài, nhiều hộ dân tại xã Trà Cổ cũng mạnh dạn vay vốn, triển khai nuôi tôm càng xanh và đều thành công, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Đến nay, Trà Cổ đã trở thành vùng nuôi tôm càng xanh có tiếng của tỉnh Đồng Nai, đời sống người dân trong xã ngày càng sung túc, không còn hộ nghèo.

Hay, hộ ông Nguyễn Văn Phong tại xã Phú Lập với mô hình chăn nuôi dê, heo rừng với lợi nhuận hàng năm đạt 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15-20 lao động địa phương, thu nhập từ 7-12 triệu đồng... và rất nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo tiêu biểu khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Tân Phú ( Đồng Nai): “Điểm sáng” trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO