Xã hội

Huyện Đầm Hà, Quảng Ninh: Tạo “cần câu” để hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống

Phạm Hoạch 09/06/2023 - 15:15

(TN&MT) - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là công tác giảm nghèo đối với người dân và đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả đạt được, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà.

anh-dh-01.jpgÔng Lê Bình Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong việc triển khai chính sách giảm nghèo đối với người dân, đồng bào vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua?

Ông Lê Bình Phượng:

Những năm qua, với sự quyết tâm lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, theo đó tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng là động lực quan trọng, góp phần vào kết quả của công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Nhờ vậy, 100% số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chinh sách giảm nghèo. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, giải quyết việc làm cho 1.250 lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ chính sách xã hội khác cho 115 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn số tiền 8.375 triệu đồng.

Hay như Hội LHPN huyện đã kết nối HTX Tuyền Hiền hỗ trợ 600 gà giống trị giá 24 triệu đồng cho 5 hộ gia đình thương binh, liệt sỹ và 6 hộ nghèo tại xã Quảng Lâm và kết nối hàng chục hội viên nuôi gà bản. Đây là mô hình hiệu quả và thực sự là cầu nối để người dân thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh dạn đầu tư, phát triển thành mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp cho hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện còn thực hiện tốt công tác khám và điều trị cho người nghèo, người cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em và người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào DTTS trên địa bàn.

Nhờ vậy, hiện nay toàn huyện Đầm Hà chỉ còn 18 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%; 126 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng số hộ dân của địa phương.

Phóng viên: Để có được những kết quả trên, địa phương đã triển khai thực hiện những chính sách về giảm nghèo như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Bình Phượng: Huyện Đầm Hà luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS ở các xã vùng cao, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của Trung ương và tỉnh. Cụ thể như: hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục đối với con hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tiền điện và chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện đã chủ động kết nối các tổ chức, các nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng quà trực tiếp theo địa chỉ, nhất là hỗ trợ xây mới nhà ở, con giống, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn đầu tư phát triển sản xuất vươn lên trong cuộc sống. Kết quả, đã vận động các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc huyện tặng quà được 2.451 suất trị giá 1,1 tỷ đồng.

Những chính sách kịp thời, giải pháp hiệu quả là động lực, điểm tựa giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, nhất là đồng bào vùng DTTS mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng kiến thức khoa học, liên kết cùng nhau xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương như quế, hồi, gà bản, củ cải, giúp cho hàng trăm hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

anh-dh-02.jpg
Mô hình chăn nuôi gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Huyền theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.

Phóng viên: Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới, thưa ông?

Ông Lê Bình Phượng: Để thực hiện hoàn thành mục tiêu Kế hoạch giảm nghèo năm 2023, huyện Đầm Hà tập trung triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu phấn đấu giảm 18 hộ nghèo, chiếm 0,16%; giảm 99 hộ cận nghèo, chiếm 0,89% tổng dân số của huyện và duy trì không có hộ tái nghèo, phát sinh nghèo mới trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo và khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên của người nghèo, người cận nghèo. Quan tâm tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ giới thiệu học nghề, việc làm cho người nghèo, người cận nghèo và người dân có sức lao động tích cực tham gia phát triển sản xuất, đi lao động, làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp để có thu nhập tốt và ổn định, gắn với tiếp cận các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản còn thiếu hụt như y tế, dinh dưỡng, giáo dục, thông tin, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thực hiện lồng ghép, tích hợp đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, dự án có cùng mục tiêu tạo ra nguồn lực tổng hợp phục vụ công tác giảm nghèo bền vững.

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đầm Hà, Quảng Ninh: Tạo “cần câu” để hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO