Hương ước bảo vệ rừng
(TN&MT) - “Nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu” - câu nói vỏn vẹn 15 từ nhưng lại mang trong mình sức nặng ngàn cân bao đời nay, không ai dám vi phạm.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về “bí quyết” giữ rừng này, những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Bắc Sơn để tham quan cánh rừng nghiến nguyên sinh - nơi đang được bà con thôn Đông Đằng (xã Bắc Quỳnh, Bắc Sơn, Lạng Sơn) gìn giữ qua bao thế hệ…
1. Những ngày cuối cùng của năm Quý Mão 2023, chúng tôi tìm về vùng quê cách mạng Bắc Sơn. Trở lại với vùng quê hiền hòa này, bỏ lại sau lưng sự ồn ào của phố thị, con đường dẫn vào thôn Đông Đằng được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp, những cánh đồng trải dài dường như bất tận. Dọc hai bên đường là những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tạo nên một khung cảnh thật yên bình.
Thôn Đông Đằng nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện 3km, có khoảng 136 hộ dân với 630 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, mang họ Dương, định cư quanh dãy núi đá vôi Bắc Sơn. Điều ấn tượng nhất trước khi đặt chân vào Đông Đằng, chính là cánh rừng với hàng nghìn cây gỗ nghiến được người dân bảo vệ bao đời nay.
Với đặc tính thẩm mỹ, độ bền cao, trước nay, nghiến luôn là loài cây có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm các sản phẩm nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ. Vì lẽ đó, nghiến thường được săn đón và thu hút nhiều đối tượng “lâm tặc”. Ấy thế mà, ở một vị trí rất thuận lợi này, cánh rừng nghiến nguyên sinh rộng lớn như một “kho báu” giữa đại ngàn, đã và đang được bà con Đông Đằng bảo vệ, giữ gìn rất tốt.
2. Theo sự giới thiệu của lãnh đạo xã Bắc Quỳnh, chúng tôi được ông Dương Hữu Chung - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Đằng đưa đến khu rừng thiêng Đông Đằng. Đến cửa rừng, ông Chung dẫn chúng tôi tới các miếu thờ 3 vị thần rừng. “Việc thờ các vị thần rừng này có từ bao giờ thì không ai biết. Người dân nơi đây chỉ biết rằng, từ bé đã được nghe các ông, các bà truyền lại như vậy và đã trở thành “lệ làng”. Bình thường, người dân chỉ được đi lên tới khu miếu thờ ngay cửa rừng để thắp hương cúng lễ các ngài thôi, nếu không xin phép thì không ai được bước qua ngôi miếu này để vào rừng cả.” - ông Chung kể.
Dân làng có niềm tin rằng, thờ thần rừng thì sẽ được các ngài phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, làng bản đoàn kết, hòa thuận, không có thiên tai dịch họa như mưa đá, lũ quét, hay các loại bệnh dịch ập xuống dân bản.
Muốn như vậy, thì nơi cánh rừng các ngài ngự phải thật yên tĩnh. Mọi thứ cỏ cây, chim thú do các ngài cai quản phải được tự do, tự nhiên phát triển. Người dân không được vào rừng để chặt cây, kiếm củi, săn thú. Nếu có cây đổ, cây ngã cũng để nguyên trong rừng cho thối mục tự nhiên làm phân chăm các cây con khác, chứ nhất định không được lên lấy đem về nhà mình. Từ đó, hương ước, quy ước giữ rừng của bản làng được bà con soạn ra, với một câu rất ngắn gọn, đơn giản: “Nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu.”
Và theo phong tục của người dân nơi đây, đuổi ra khỏi hội hiếu nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia thì cả làng sẽ không có ai tới giúp, đưa tiễn người khuất trong gia đình về với tổ tiên. Thậm chí cả việc cưới xin, nếu nhà ai bị đuổi ra khỏi hội hiếu thì dân làng cũng tẩy chay không tới mừng hay làm cỗ giúp.
Men theo con đường dốc, lởm chởm đá dẫn vào giữa cánh rừng, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng những cây nghiến cổ thụ đã có hàng trăm năm tuổi.
“Nhiều năm trở về trước, trong khi những cánh rừng nghiến nguyên sinh, rừng tự nhiên ở một số địa phương của Lạng Sơn đã bị tàn phá không thương tiếc thì tại sao tất cả người dân nơi đây đều nghe theo và tuân thủ nghiêm túc việc giữ rừng đến vậy?” - Tôi hỏi.
“Việc giữ rừng xuất phát từ ý thức của người dân từ bao đời nay rồi. Ai ai cũng xác định giữ gìn, bảo vệ rừng là công việc chung của tất cả người dân trong thôn, chứ không có lý do hay mục đích nào khác Nhà báo ạ. Bởi các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng đã có từ lâu nhưng rừng ở nhiều nơi vẫn bị tàn phá, hủy hoại.” - ông Chung không giấu nổi niềm tự hào chia sẻ với chúng tôi.
Qua thống kê, trong rừng có hơn 2.000 cây gỗ nghiến có đường kính 20cm trở lên, nhiều cây 3 - 4 người ôm không xuể. Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn, được quy hoạch và cấp kinh phí bảo vệ. Là rừng cộng đồng nên hằng năm, bà con còn được hưởng nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng.
Nói rồi, anh Chung thủ thỉ thêm: “Tôi sinh ra và lớn lên dưới những tán rừng, cây rừng đã trở thành người nhà, người thân của bà con dân tộc Tày nơi đây. Rừng giúp tạo không khí trong lành, ngăn không cho đá lăn xuống bản làng, giữ nguồn nước cho cuộc sống”.
Đang dở câu chuyện, anh Chung chợt dừng lời, rồi reo lên. Anh chỉ cho chúng tôi xem ngọn cây cao vút gần đó, và bảo: “Nhà báo chú ý nhé, sắp tới cây số 1 rồi đấy, mỗi cây đều được bà con đánh số ở gốc”.
Cũng theo lời người Trưởng thôn, cùng với hương ước, quy ước, bà con Đông Đằng còn thành lập tổ đội tuần rừng. Mỗi tháng, tổ tuần tra sẽ kiểm đếm số cây nghiến một lần. Thôn chỉ có 3 lối vào cách nhau vài chục mét nên bất cứ ai ra vào, mang theo vật dụng gì, người dân đều nắm rõ và có cách theo dõi, từ đó báo với tổ tuần tra và chính quyền xã. Đặc biệt, ai muốn lên rừng cũng phải được người trong tổ dẫn lên và không được mang bất cứ thứ gì khỏi rừng, dù chỉ là một nhành củi khô.
Cũng vì thế mà bao năm qua, người dân Đông Đằng không có ai vi phạm về việc bảo vệ rừng, từ người già đến trẻ con, ai ai cũng thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ rừng và thuộc nằm lòng những quy định mà bản làng đã đề ra. Ý thức bảo vệ rừng của bà con ngày càng được nâng cao.
3. Khu rừng nghiến Đông Đằng là rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở xứ Lạng. Cùng với nhân dân Đông Đằng, để bảo vệ khu rừng nghiến này, UBND xã Bắc Quỳnh cũng đã thành lập tổ bảo vệ rừng phối hợp cùng bà con nhân dân thường xuyên tuần rừng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại lá, các hành vi vi phạm như chặt phá cây, săn bắn trong khu rừng…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Đình Đường - Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Hiện nay địa phương đã quy hoạch hơn 600ha rừng đặc dụng. Trong đó, 13,3ha diện tích của rừng nghiến Đông Đằng là vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng với đó, UBND xã đã đề xuất cấp trên và ngành chức năng thiết kế, cải tạo, mở đường dân sinh vào khu rừng này để du khách đến làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có thể đi thăm quan rừng nghiến nguyên sinh. Qua đó thu hút du khách đến địa phương trải nghiệm, kích cầu dịch vụ du lịch, tạo thêm sinh kế bền vững cho bà con, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả hơn…
Hương ước thôn Đông Đằng quy định: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy...
Hương ước cũng nêu rõ: Vi phạm lần 1 phạt hành chính, nhắc nhở trước toàn thôn; lần 2 đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm có hình thức kỷ luật; lần 3 sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình trong thôn...
Rời Đông Đằng khi ánh nắng cuối ngày đã tắt. Những tán cây xanh rì rào trong gió như gửi lời chào thân thiện tới những người khách đang trong hành trình vội vã. Nhìn về xóm làng đã khuất dần trong chiều tà, tôi thầm nhủ, nếu như ở mọi nơi đều như bà con Đông Đằng, yêu rừng, giữ rừng bằng tấm lòng và cách thức bình dị, đơn giản nhất thì chắc hẳn, màu xanh của những cánh rừng sẽ được nhân lên mãi mãi, và công cuộc giữ rừng sẽ không còn gian nan, chông gai đến thế…