(TN&MT) - Biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng sự hiểu biết kỹ lưỡng về chúng lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý, khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ này rất cần sự tham gia của các bên liên quan, của người dân ven biển và của toàn xã hội. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày đại dương thế giới năm nay được chọn là “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” để kêu gọi sự chung sức, đồng lòng bảo vệ đại dương và cũng là bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng của Tổ quốc.
Khắp nơi rộn ràng hưởng ứng!
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” theo tinh thần của Ngày Đại dương thế giới năm 2014 là “Cùng chung sức – Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2014 là sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế. Bằng những việc làm thiết thực như làm sạch bãi biển và các khu sinh thái biển sẽ dần thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường, xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển. Đồng thời nâng cao nhận thức về pháp luật biển, khởi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo quê hương.
Với ý nghĩa này, hàng loạt các địa phương cũng như các Bộ, ngành trong cả nước đã lên chương trình hành động và triển khai các hoạt động hưởng ứng. Ngoài Hải Phòng là thành phố đăng cai diễn ra sự kiện chính của Tuần lễ biển và hải đảo 2014 với hàng loạt các hoạt động sôi nổi như triển làm chủ quyền biển, đảo, hướng đến thành phố Cảng Xanh, Diễn đàn Thương Hiệu biển và lễ Mít tinh, thanh niên làm sạch bãi biển…thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước có một kế hoạch tuyên truyền khá rầm rộ. Theo đó, sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, chủ quyền biển đảo, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên biển cho ngư dân; hội nghị chuyên đề cho cộng đồng dân cư ven biển về bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo; hội nghị chuyên đề “Bảo vệ và giữ gìn môi trường bền vững là nền tảng cho kinh tế biển Việt Nam phát triển”. Trong Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam tại Đà Nẵng cũng sẽ diễn ra chiến dịch ra quân làm sạch bãi biển cấp TP; diễu hành bằng xe đạp của khoảng 500 đoàn viên thanh niên; cuộc thi vẽ và triển lãm tranh “Biển đảo quê hương em” với khoảng 300 tác phẩm của các em học sinh tiểu học; hội thi “Rung chuông vàng” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam dành cho các em học sinh THCS...
Một số các địa phương khác như Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận… cũng có nhiều hoạt động tương tự, trong đó tích cực đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về biển, hải đảo, tổ chức các chương trình ra quân làm sạch bãi biển, làm sạch môi trường.
Đặc biệt để thiết thực hưởng ứng sự kiện quan trọng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, học viện, trường Đại học, Cao đẳng, các đơn vị thuộc Bộ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển đảo, kêu gọi hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo công luận lên án những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Chung tay bảo vệ đại dương – bảo vệ tài nguyên
Đối với Việt Nam, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Bờ biển nước ta vừa là cửa ngõ bang giao kinh tế vừa là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn kết với biển như du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy…
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí đã được xác định, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ m3.
Bởi giàu tiềm năng và là “điểm tựa” của nhiều ngành kinh tế, nên biển nước ta đang phải đối mặt với hầu hết các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái và những cơn “bão” lớn tranh giành nguồn lợi biển mà biểu hiện rõ ràng nhất là diễn biến dàn khoan HD - 981 của Trung Quốc đang thăm dò trái phép trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.
Vì vậy, việc tổ chức thành công hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảoViệt Nam” với các hoạt động thiết thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam cần chung sức, đồng lòng để giải quyết những nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên biển đến từ nguyên nhân cả “nội sinh” và “ngoại sinh”, mà sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam là dịp để chúng ta bày tỏ quyết tâm cũng như nâng cao trách nhiệm hành động ứng phó với tất cả những nguy cơ, giữ cho đại dương xanh, tài nguyên bền vững.
Kim Liên