Chương trình do Dự án Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.
Tại đây, đông đảo người dân đã hưởng ứng tham gia các trò chơi trả lời câu hỏi trực tuyến về sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, các nguồn năng lượng sạch của Việt Nam. Trong một không gian mở, các chuyên gia trong ngành năng lượng đã giao lưu, chia sẻ thông tin về công nghệ năng lượng sạch và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Các em nhỏ còn được tham gia những trò chơi tìm hiểu về năng lượng sạch, chụp ảnh check in với mô hình năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối… Đặc biệt, sự kiện đã tạo cơ hội để các bạn trẻ cùng trao đổi, giao lưu để nâng cao hiểu biết của mình về cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam nhằm góp phần chung tay bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường sống.
Theo ông Philipp Munzinger - Giám đốc chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, Giờ Trái đất là một sáng kiến toàn cầu nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của ứng phó BĐKH, bảo vệ hành tinh. Sự kiện mang tính biểu tượng này là lời kêu gọi hành động, thúc giục tất cả chúng ta giảm lượng khí thải carbon và đưa ra những lựa chọn bền vững hơn nhằm chống biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, Việt Nam đã gây ấn tượng với cộng đồng toàn cầu không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn bởi sự mở rộng nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng cùng với nhiều chiến dịch, biện pháp nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Giờ đây, điều quan trọng là phải duy trì được thành quả này và đưa quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng của chúng ta đi đúng hướng, xu hướng.
Giờ Trái đất cũng như những sự kiện tương tự tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai, và cộng đồng toàn cầu cần đoàn kết để bảo vệ hành tinh của mình. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng mỗi cá nhân đều có vai trò trong việc bảo vệ môi trường. Mọi người có thể thực hiện các lựa chọn và hành động bền vững, bất kể hoàn cảnh nào. Những việc làm đơn giản như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, để điều hòa ở 26 độ, tắt điều hỏa trước khi ra khỏi phòng 30 phút, tận dụng năng lượng nắng và gió để phát điện... có thể tác động đáng kể đến môi trường. “Chúng tôi kêu gọi mọi người đưa ra những lựa chọn bền vững không chỉ trong sự kiện này hay trong vòng 60 phút của Giờ Trái đất mà còn trong cuộc sống hàng ngày” - ông Philipp Munzinger nhấn mạnh.
Phát biểu giao lưu tại chương trình, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Năm 2023 cũng là năm thứ 15 EVN tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Trên khắp các tỉnh thành, EVN đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền vận động người dân, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng tham gia hoạt động tiết kiệm điện, hưởng ứng Giờ Trái đất.
Bên cạnh đó, EVN cũng đồng hành tổ chức nhiều cuộc thi tuyên truyền tiết kiệm điện, đặc biệt là các cuộc thi vẽ tranh dành cho lựa tuổi học sinh. Sự lan tỏa của chiến dịch Giờ Trái đất rất mạnh mẽ, đểmỗi người dân dần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm không chỉ trong 1 giờ mà cả 365 ngày trong năm.
Hôm nay (25/3), sự kiện chính của Giờ Trái đất (Tắt đèn) sẽ chính thức diễn ra trên toàn quốc từ 20h30-21h30. Trong khoảng thời gian này, tất cả các khu vui chơi công cộng đều thực hiện tắt đèn như một thông điệp về bảo vệ môi trường. Đồng thời tại các trụ sở cơ quan lớn sẽ tiến hành giảm điện, giảm điều hòa để thực hiện “Tiết kiệm điện thành thói quen” - thông điệp của Giờ Trái đất 2023 tại Việt Nam.