(TN&MT) - Ngày 5/10, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới phát thải ròng bằng ”0”: Chính sách và thực tiễn”, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học.
Hội thảo tập trung hướng đến tìm hiểu vai trò của các tham luận trong vấn đề “Phát thải ròng bằng 0” và tìm ra những phương pháp giải quyết các vấn đề về môi trường hiện nay như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tàn phá đa dạng sinh học,… Xây dựng biện pháp ứng phó như khử carbon nhanh chóng, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi.
TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ TN&MT đã có bài phát biểu “Chính sách về không phát thải ròng ở Việt Nam” đề cập đến thực trạng khí thải nhà kính ở Việt Nam, hiện đứng thứ 21 trong nhóm các nước phát thải nhiều nhất thế giới và có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; không có thêm các dự án năng lượng than mới sau năm 2030 và cắt bỏ năng lượng than vào năm 2040; chấm dứt phá hủy rừng vào năm 2030 và giảm 30% phát thải khí methane vào năm 2030.
Tuy nhiên, không thể không nhắc đến những khó khăn khi chuyển sang năng lượng tái tạo vẫn cần đảm bảo an ninh năng lượng. Nguồn lực tài chính còn hạn chế cũng là một vấn đề cấp thiết khi dự kiến cần 360-400 tỷ đô la để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không; thị trường các bon, các hệ thống đo lường, báo cáo, giám sát vẫn chưa phát triển, cùng với đó các công nghệ sản xuất còn lạc hậu, quản lý chất thải còn yếu kém chưa đáp ứng được nhu cầu…
Hướng đến các mục tiêu và nhiệm vụ giải quyết, TS Nguyễn Trung Thắng cho rằng, hiện nay, cần phải Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải KNK theo ngành: Năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, chất thải; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, hệ sinh thái tự nhiên; phát triển công nghệ lưu trữ cacbon.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các thành phần kinh tế tham gia doanh nghiệp; hợp tác công tư trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và vận hành thị trường carbon; phân loại màu xanh lá cây; các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh,…
Ngoài ra, TS. Phạm Thủy, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cũng đề cập đến “Cơ hội và thách thức với ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế chính trị của phát thải ròng bằng 0” với cơ hội trong xu hướng thị trường có giá trị cao hơn 10-14% các chương trình cacbon khác, cùng lợi ích của toàn cầu và nhu cầu cao đối với thị trường carbon chất lượng cao.
Trong cơ hội cũng tiềm ẩn nhiều thách thức như nguồn tài chính khó tiếp cận, các khoản trợ cấp dành cho việc mở rộng nông nghiệp quy mô lớn và hỗ trợ tài chính cho các nguyên nhân gây mất rừng cao gấp 40- 150 lần so với mức dành riêng cho bảo tồn rừng, thiếu dữ liệu minh bạch về tài chính khu vực tư nhân, tình hình phát triển lâm nghiệp ít được quan tâm trong hoàn cảnh chính trị dao động.
Qua đó, TS. Phạm Thủy cũng đưa ra phương hướng quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia và công ty đạt được các mục tiêu phát thải NetZero khi nguồn tài chính được đầu tư vào các dự án phù hợp, mang tính hợp pháp, minh bạch, bổ sung và có điều kiện lâu dài. Tạo nên một nền tảng hiệu quả, công bằng giải quyết được các tác nhân gây mất rừng và rừng suy thoái.
Ngoài ra, còn có 10 bài tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học và tổ chức khác nhau, như: Khoa Môi trường và Tài nguyên - Philippines; Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế; Trung tâm Ứng phó với Biến đổi khí hậu,... nhận được sự quan tâm và thảo luận đông đảo từ các nhà nghiên cứu khoa học, các giáo sư và các đại biểu đại diện từ nhiều trường Đại học, tổ chức trong khuôn khổ buổi Hội thảo.