Môi trường

Hướng người dân phát triển sinh kế gắn với giảm phát thải từ rừng

Khánh Ly 28/06/2023 - 17:58

(TN&MT) - Trong giai đoạn năm 2023 - 2025, người dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ được nhận tiền chi trả số tiền lên tới gần 50 triệu USD. Đây được xem là nguồn lực quan trọng, giúp giảm bớt khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và cải thiện đời sống của người dân giữ rừng.

Theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2022 về Thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), ERPA nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 tương đương từ rừng ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng số tiền là 51,5 triệu USD.

hue.png
Các địa phương có rừng ở Bắc Trung Bộ tham gia cơ chế ERPA gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế

Các địa phương tham gia cơ chế ERPA gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh sẽ nhận 96,5% tổng tiền chi trả, tương đương 49,597 triệu USD và chia ra trong 3 năm 2023, 2024 và 2025. Nguồn tiền này sẽ được dùng để chi trả cho các chủ rừng, cộng đồng nhận khoán quản lý rừng và các đối tượng có liên quan đến hoạt động giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ rừng. Mức hưởng lợi của các tỉnh dựa vào tỷ lệ đóng góp kết quả giảm phát thải, được điều chỉnh bằng tỷ lệ rừng tự nhiên của tỉnh so với tổng diện tích rừng tự nhiên của toàn vùng...

Riêng đối với hoạt động hỗ trợ sinh kế, định mức cho mỗi cộng đồng là 50 triệu đồng/năm. Hàng năm, người đại diện cộng đồng phải tổ chức họp dân thống nhất đề xuất nội dung, kế hoạch, dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ gửi cho chủ rừng là tổ chức hoặc UBND xã theo đúng quy định. Trong đó, chú trọng các hoạt động lâm nghiệp, bảo vệ rừng để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cung ứng, giống cây trồng, giống vật nuôi; quản lý lập địa và phát triển kinh tế rừng trồng; mua sắm thiết bị chế biến nông lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

xa-huong-nguyen.png
Xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ có thêm kinh phí từ ERPA để cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng

Tại xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), người dân cũng như chính quyền địa phương đều kỳ vọng, khoản chi trả này sẽ sớm đến tay cộng đồng địa phương. Là một trong những xã nghèo nhất Việt Nam, Hương Nguyên có hơn 5.000 ha rừng được xác định là khu vực ưu tiên đầu tư của Ngân hàng Thế giới. Theo ông Ngô Văn Thân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới, khu vực rừng thuộc phạm vi quản lý của đơn vị có địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối chia cắt, nhiều đường giao thông đến các huyện, xã. Diện tích rừng tiếp xúc với người dân khá dài, có nhiều đường ra vào rừng gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ. Kinh phí từ Chương trình ERPA sẽ giúp đỡ phần nào cho Ban quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.

Chia sẻ khó khăn trong thực tế, ông Hồ Văn Hồng, Chủ tịch xã Hương Nguyên cho biết, hằng năm Quỹ dịch vụ môi trường rừng đều có thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng số tiền còn ít, chỉ khoảng 300 – 400 nghìn đồng/người nên chưa đạt được hiệu quả tăng thu nhập như người dân mong muốn.

ong-thon-truong-huong-nguyen.png
Ông Hồ Văn Hồng, Chủ tịch xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ về khó khăn của cộng đồng khi tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng

Khác với xã Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế), người dân xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình) hiện chưa có nguồn thu nhập cố định hằng năm nào từ rừng. Theo ông Trần Xuân Thoan, Trưởng thôn Kim Tân, rừng ở Kim tân có 3 loại chính: Rừng tự nhiên, rừng phân cho các hộ gia đình bảo vệ, rừng để bà con phát triển kinh tế. Nếu có tiền chi trả từ ERPA, chính quyền thôn sẽ họp bàn để thống nhất đề nghị sử dụng nguồn tiền hỗ trợ như thế nào. Tỏng đó, chú trọng làm các công trình phúc lợi cho cộng đồng như điện, đường dân sinh, trường học, trạm y tế; dành kinh phí tập huấn tuyên truyền cho người dân về quản lý và bảo về rừng, phát triển sinh kế từ rừng...

Có thể thấy, ERPA được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn tài chính đầu tư trực tiếp quản lý bảo vệ rừng, đồng thời, giúp gia tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho các chủ rừng và cộng đồng dân cư tại chỗ. Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa thiên huế cho rằng: Qua 11 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra hiệu quả thiết thực, đi vào cuộc sống giúp nhận thức của người dân cũng như chính quyền các cấp được nâng lên. Đối với ERPA, trong thời gian tới, chúng tôi cũng cần được tập huấn triển khai nội dung Nghị định 107 và cơ chế tổ chức thực hiện nhằm phát huy hiệu quả từ nguồn kinh phí này một cách tốt nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, đại diện Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), cộng đồng dân cư vừa là đối tượng hưởng lợi, vừa trực tiếp tham gia hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Để ERPA có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh kế, tăng thu nhập cho người dân từ chính các hoạt động bảo vệ rừng, các cộng đồng cần hình thành/kiện toàn ban quản lý rừng của thôn bản với chức năng quản lý rừng và phát triển sinh kế bền vững, hướng tới tiếp nhận và thực hiện chi trả từ giảm phát thải khí nhà kính. Ban quản lý cần phối hợp chặt chẽ với chủ rừng, UBND xã, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để triển khai cơ chế này đúng quy định.

5a2f21fc63c4bb9ae2d540-1024x514.jpg
Cán bộ PanNature tập huấn về lợi của các hoạt động giảm phát thải từ rừng

Cộng đồng cũng cần được hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch vụ môi trường rừng cũng như năng lực tổ chức thực hiện bảo vệ rừng, các biện pháp lâm sinh; hỗ trợ định hướng lựa chọn và phát triển sinh kế phù hợp với điều kiện bản địa, gắn với rừng và thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực và vai trò của cộng đồng trong việc phối hợp, liên kết với các cơ quan chức năng trong suốt quá trình lập kế hoạch, giám sát, nghiệm thu và đánh giá chương trình ERPA ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng người dân phát triển sinh kế gắn với giảm phát thải từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO