Hương Khê (Hà Tĩnh): Giảm khiếu kiện từ đất đai nhờ công tác quản lý nhà nước tốt

16/09/2018 20:42

(TN&MT) - Trong những năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xu hướng giảm. Có được kết quả này, phải kể đến những kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn về đất đai của địa phương, đơn vị.

Hương Khê là một huyện miền núi có đất lâm nghiệp chiếm trên 60% diện tích, từng trở thành điểm nóng trên địa bàn Hà Tĩnh về tranh chấp đất rừng. Qua phân tích nhận thấy nguyên nhân của thực trạng khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai do vẫn còn những khe hở của pháp luật dễ nảy sinh ý định dẫn dắt vụ việc để lợi dụng, quá trình giải quyết thiếu quyết liệt, chưa chú trọng công tác tuyên truyền nên người dân chậm nắm bắt chủ trương.
 

Đất rừng chiếm phần lớn diện tích ở Hương Khê
Đất rừng chiếm phần lớn diện tích ở Hương Khê

Nội dung người dân khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, thu hồi đất, chính sách bồi thường khi thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư, khiếu nại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất trong nội bộ nhân dân và trong đó có nhiều vụ việc đã phát sinh từ những năm trước đã được xem xét giải quyết nhưng người dân chưa đồng tình.

Điển hình như các vụ việc xẩy ra tranh chấp đất rừng giữa người dân với công ty cao su Hương Khê ở xã Lộc Yên phát sinh từ nhiều năm trước, thiếu quyết liệt trong giải quyết dứt điểm vụ việc dẫn đến phức tạp, kéo dài. Quá trình chuyển đổi và trả lại một phần diện tích đất rừng do nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý để giao cho các địa phương, giao lại cho nhân dân cũng nảy sinh nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo.

Trong thời gian thực đang đảm nhận nhiệm vụ được giao quản lý địa bàn, ông Nguyễn Cự Duẩn- Nguyên là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê chia sẽ: Thực hiện đề án giao đất rừng theo Quyết định số 3952/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê cũng nằm trong số địa phương nhận được quyết định hướng dẫn triển khai thực hiện. Theo đó, trong ba năm từ 2013 đến 2015, huyện Hương Khê đã có phương án phê duyệt hơn 9.300 héc ta đất rừng để đưa vào phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Trước áp lực phải đảm bảo tiến độ theo kế hoạch được giao, trong khi ở một số xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nên phải mất nhiều thời gian cho công tác đo vẽ. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện một số nơi chưa thống nhất chủ trương, hướng dẫn để người dân nắm bắt nên đã xảy ra tranh chấp, kiện cáo, nhiệm vụ lúc đó là hết sức khó khăn”, ông Duẩn nói.
 

Hoàn thành kế hoạch giao đất rừng góp phần làm giảm những vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đại trên địa bàn Hương Khê.
Hoàn thành kế hoạch giao đất rừng góp phần làm giảm những vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đại trên địa bàn Hương Khê.

Từ kinh nghiệm những vụ việc xẩy ra trước đây trên địa bàn, huyện Hương Khê đã thận trọng hơn trong quá trình xử lý tranh chấp, giải quyết công việc. Chủ động lập đoàn chỉ đạo từ cấp huyện, xã rà soát lại diện tích, đánh giá hiện trạng rồi tuyên truyền đến từng hộ dân để chủ động nắm bắt nên nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết hợp tình, hợp lý.

Theo rà soát, huyện Hương Khê cần bàn giao 9.347 héc ta đất rừng cho dân trong năm 2015. Với lộ trình đó, Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và huy động hết các ban, phòng tham gia từ khâu tuyên truyền, hướng dẫn đến việc thực hiện để đảm bảo tiến độ. Nhờ giải quyết được những vướng mắc mà Hương Khê đã đảm bảo tiến độ hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Là người trực tiếp tham gia xử lý rất nhiều vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai trên địa bàn, ông Phan Quốc Lập- Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê chia sẽ: “Để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo thì trước hết phải thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng khi triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật. Địa phương nào triển khai thực hiện không tốt sẽ gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh khiếu nại, tố cáo…”.

Theo ông Lập, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tôn trọng, lắng nghe Nhân dân thì mới giải quyết thấu tình, đạt lý, dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Nếu giải quyết hời hợt, né tránh thì Nhân dân càng bức xúc, dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp, làm cho tình hình thêm phức tạp, vấn đề giải quyết càng thêm khó khăn.

“Từ một điểm nóng về những vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai trước đây thì nay dễ nhận thấy Hương Khê đã dần ổn định. Có được kết quả này phải kể đến vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tham gia đối thoại, hòa giải, thuyết phục, giải thích thì vụ việc sẽ giải quyết hiệu quả hơn”, ông Lập nói.

Thừa nhận vẫn còn xẩy ra những vụ khiếu kiện, tố cáo về đất trên địa bàn huyện Hương Khê nhưng đã có những chuyển biến tích cực, giảm dần số vụ việc trong thời gian gần đây nhờ làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền chủ trương chính sách. Kết quả đạt được đã góp phần ổn định tình hình, tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương Khê (Hà Tĩnh): Giảm khiếu kiện từ đất đai nhờ công tác quản lý nhà nước tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO