Hướng đi mới trong thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

14/02/2014 00:00

(TN&MT) - Những đóng góp tích cực góp phần bảo vệ năng suất và sản lượng cây trồng của thuốc BVTV nhưng nó cũng đang gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ...

(TN&MT) - Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực góp phần bảo vệ năng suất và sản lượng cây trồng của thuốc BVTV nhưng nó cũng đang gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ tới đời sống. Để giải quyết vấn đề này, Viện Môi trường nông nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát thải trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội”. Đây được xem là tín hiệu tích cực mở ra hướng đi mới trong việc xử lý bao bì thuốc BVTV.
   
   
Những bể xử lý thuốc BVTV được xây ngay tại ruộng đồng tại Hà Nội.
   
“Bỏ ngỏ” một nguồn ô nhiễm
   
  Theo ước tính, lượng bao bì thuốc BVTV thường chiếm khoảng 14,86% so với lượng thuốc tiêu thụ, như vậy mỗi năm chúng ta đã thải ra môi trường sản xuất khoảng 10.550 tấn bao bì các loại. Trước đây, phần lớn vỏ bao bì là các chai thủy tinh, song gần đây đã được thay thế bằng một phần lớn chai nhựa và các túi Polyethylen, đây là các chất Polyethylen khó phân giải. Trong khi trên thế giới hầu như chưa có mô hình thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán như Việt Nam thì ở trong nước vấn đề này cũng còn hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Hiện chưa có cơ quan quản lý cũng như cơ quan nghiên cứu nào vào cuộc để xem xét những tác động tiêu cực của bao bì thuốc BVTV, đề xuất mô hình thu gom, làm sạch và phân hủy thuốc bám dính trong bao bì cũng như tiêu hủy bao bì một cách an toàn và hiệu quả
   
  Phần lớn các hoạt động thu gom trong thời gian qua đều có hỗ trợ của các dự án và của Nhà nước nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này cũng bị mất dần. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom những do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên còn lúng túng và khó duy trì bền vững. Bên cạnh đó, do thiếu công nghệ làm sạch và tiêu hủy bao bì sau thu gom, đa số lượng bao bì sau thu gom đều được chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt khi chưa được làm sạch thuốc BVTV.
   
Hướng đi tiên phong
   
  Trong quá trình nghiên cứu lựa chọn công nghệ làm sạch bao bì thuốc BVTV, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nhiều thí nghiệm sử dụng các tác nhân oxy hóa để làm sạch nước ngâm bao bì và xử lý dư lượng thuốc còn sót lại trong bao bì. Từ đó rút ra kết luận: Fenton là tác nhân oxy hóa tốt nhất để xử lý dư lượng của thuốc BVTV còn sót trong bao bì. Tác nhân này có hiệu quả xử lý cao với tất cả các nhóm thuốc BVTV ở lượng 2 lít H2O2 với 1kg FeCl2 (từ 90 – 97%). Mặc dù vậy, với các loại túi Polyethylen tráng bạc, hiệu quả chỉ phát huy thực sự khi lượng thuốc trong bao hòa tan vào dung môi xử lý. Nếu thuốc còn sót lại trong bao thì các tác nhân oxy hóa không thể xâm nhập và phân giải thuốc được. Sử dụng hỗn hợp n-hecxan dung lượng 1,5 – 2lít/1000kg bao bì có khả năng làm cho thuốc trong bao tiếp xúc tốt hơn và tan vào dung môi xử lý, do đó nâng cao rõ rệt hiệu quả xử lý của các tác nhân Fenton, mang lại hiệu quả xử lý dư lượng thuốc trong bao bì đạt xấp xỉ 99%. Như vậy, việc sử dụng hỗn hợp n – hecxan với Fenton vừa có khả năng làm sạch bao bì thuốc BVTV vừa có khả năng làm sạch dung môi hòa tan thuốc.
   
  Bên cạnh đó nhóm còn nghiên cứu, thiết kế mẫu hệ thống lưu chứa và xử lý bao bì thuốc BVTV phù hợp với các vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Hiện nay ở Hà Nội đang lưu hành phổ biến các loại bể thu gom bao bì thuốc BVTV bằng thùng phi, xi măng 1 ngăn hoặc 2 ngăn, có nắp đậy hoặc không có nắp đậy… Các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV này phần lớn chưa có quy chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo các phụ kiện phụ trợ để đáp ứng yêu cầu thu gom và làm sạch. Thêm vào đó chung còn nhiều nhược điểm như: Dễ bị rỉ sét, nứt vỡ, mất mát, khả năng lưu giữ bao bì và nước chưa cao, chỉ phù hợp để lưu chứa bao bì mà chưa phù hợp cho việc xử lý, làm sạch bao bì... Nhóm đề tài đã xác định định hướng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật của bể thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV là: Phải đáp ứng yêu cầu cho cả việc chứa và làm sạch bao bì; nước thải từ bể phải đảm bảo chất lượng môi trường; vỏ bao bì được làm sạch phục vụ mục đích tái sử dụng hoặc tiêu hủy; chất liệu bể phải phù hợp, không bị ăn mòn hóa chất, không rị rỉ sét, không bị mất cắp; dễ lắp đặt, di chuyển khi cần thiết và an toàn khi sử dụng.
   
  Qua nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được mẫu bể với những điểm cải tiến cơ bản như: Bể có 2 ngăn có nắp đậy; chất liệu là composite dễ di chuyển và sửa chữa. Bên cạnh thân chính, bể cũng có các bộ phận phụ trợ như cửa thu rác, phên nén để dìm bao bì trong dung môi ngâm bao bì, có van xả nước, các móc treo… Kích thước là 0,5 m3/ngăn nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô và hình thức quản lý thu gom (rải rác hay tập trung). Hi vọng rằng, với việc nghiên cứu thành công thí điểm tại Hà Nội, mô hình sẽ được áp dụng thành công tại nhiều địa phương.
   
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới trong thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO