Công ty CPTPXK Hưng Yên tiền thân là Nhà máy thực phẩm xuất khẩu Hải Hưng, năm 1997 chuyển thành Công ty CPTPXK Hưng Yên, có địa chỉ tại số 1 Hoàng Hoa Thám, phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 2010, toàn bộ diện tích mặt bằng của Công ty được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt cho chuyển đổi sang Dự án: Xây dựng khách sạn và nhà ở liền kề, do chính Công ty làm chủ đầu tư (trên diện tích rộng 22.055m2).
Mục tiêu của Dự án là xây dựng khách sạn, nhà hàng ăn uống, nhà ở chung cư, nhà ở để bán và cho thuê. Với quy mô khách sạn đạt chuẩn 3 sao, cao 11 tầng, 118 phòng; khu nhà chung cư cao 15 tầng, 120 căn hộ; khu nhà ở liền kề chia lô 115 căn. Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 90 tháng, Dự án vẫn gần như “đắp chiếu”. Theo ghi nhận của chúng tôi tại thực địa, Dự án mới chỉ giải phóng xong mặt bằng, một số tuyến đường giao thông nội bộ và hệ thống cấp, thoát nước mưa vẫn còn dang dở.
Trước việc Dự án: Đầu tư xây dựng khách sạn và nhà ở liền kề, do Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên làm chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều lần và có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 14/6/2013, Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên ra Quyết định số: 59/QĐ-SXD thành lập Đoàn thanh tra liên ngành. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ: căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 21/3/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên thực hiện Dự án. Tổng số tiền sử dụng đất mà Công ty phải nộp là: 98.718 .632.444 đồng, Chi cục thuế TP Hưng Yên đã bốn lần gửi thông báo cho Công ty, nhưng đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa nộp bất cứ khoản tiền sử dụng đất nào. Do đó, Công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính để thực hiện việc chuyển đổi hình thức sử dụng đất từ thuê đất (đất sản xuất) sang giao đất có thu tiền sử dụng đất (đất ở đô thị, dịch vụ). Khoản tiền bảo lãnh để thực hiện Dự án (khoảng 9,8 tỷ đồng), đến thời điểm thanh tra (đã ba năm) nhưng Công ty cũng không thực hiện nghĩa vụ này, đồng thời cũng không có cơ quan nào theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Thế nhưng, Công ty vẫn ngang nhiên phân lô để bán cho nhiều khách hàng. Đoàn thanh tra phát hiện có ít nhất 8 lô đất đã được Công ty bán trái phép, thu về số tiền trên 5 tỷ đồng, nhưng không thể hiện trên hệ thống sổ sách kế toán và Báo cáo tài chính của đơn vị. Ngoài 8 lô đất kể trên, Đoàn thanh tra còn phát hiện 3 ngôi nhà đã xây xong và hoàn thiện kiên cố (do khách hàng tự xây và hoàn toàn xa lạ so với thiết kế được phê duyệt), trong đó có một căn được xây trên hai lô đất (lô 160 và 161), thiết kế dạng biệt thự. Tất cả các trường hợp mua bán nhà đất (kể cả 4 căn nhà đã hoàn thành, đang sử dụng) đều vi phạm quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Kết luận thanh tra kiến nghị xử lý: Sở Xây dựng Hưng Yên yêu cầu Công ty hủy bỏ và giải quyết hậu quả của tất cả các hợp đồng huy động vốn đã ký dưới mọi hình thức để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh: tạm dừng thực hiện Dự án và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Công ty khắc phục các sai phạm nêu trên trong một thời gian nhất định, nếu không khắc phục được thì trình UBND tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan trong việc thẩm định, báo cáo không đầy đủ thông tin khi trình UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án.
Kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, Công ty vẫn “phớt lờ” những chỉ đạo trên, không khắc phục hậu quả đã gây ra, đồng thời không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình với ngân sách Nhà nước. Theo Báo cáo ngày 27/7/1017 của UBND tỉnh Hưng Yên gửi Ban thường vụ Tỉnh ủy, thì Công ty Cổ phần thực phẩm XK Hưng Yên mới nộp được 1 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tổng số tiền còn nợ trong hai khoản (sử dụng đất của Dự án và tiền phạt chậm nộp) là hơn 200 tỷ đồng.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao, một Dự án “khủng” nhưng cũng “bê bết”, sai phạm kéo dài trong nhiều năm mà không bị thu hồi giấy phép đầu tư ? Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên. Ông Bảo cho biết: Hiện, Dự án này không khác gì “mớ bòng bong”. Lãnh đạo tỉnh cũng đang “đau đầu” tìm hướng giải quyết. Các Sở, ngành cũng tìm nhiều cách nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, thậm chí đã tổ chức mời các doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính mạnh đến để hợp tác, mua lại Dự án. Nhưng khi nói đến số tiền nợ ngân sách Nhà nước kéo dài trong nhiều năm đến hơn 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp nào cũng sợ và “lắc đầu”. Giờ cũng không thu hồi giấy phép đầu tư được, bởi nếu thu hồi thì số tiền nợ trên 200 tỷ kia ai chịu trách nhiệm…Khó lắm, Sở chỉ tham mưu thôi, còn quyết định thế nào phải do UBND tỉnh.
Như vậy, Dự án xây dựng khách sạn và nhà ở liền kề do Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên làm chủ đầu tư đang ở tình thế “tiến không được, lùi không xong”. Và trong khi chờ một “phép màu” đến trong tương lai, thì tài nguyên đất đai trong lĩnh vực xây dựng vẫn tiếp tục bị bỏ hoang. Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên sớm có biện pháp khắc khục, giải quyết dưt điểm những tồn tại, để Dự án sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí tài nguyên đất đai và làm yên lòng dư luận.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.