Trong loạt 3 bài điều tra về hiện tượng đê tả sông Hồng (đoạn từ Km 81 - Km 82, huyện Văn Giang và một phần đoạn đê thuộc địa bàn huyện Khoái Châu cùng thuộc tỉnh Hưng Yên) xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc mặt đê, Báo TN&MT đã đề cập tới nhiều vấn đề cùng những nghi vấn.
Mới đây, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã có công văn trả lời cụ thể từng vấn đề mà Báo nêu trước đó.
Công văn Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên trả lời những vấn đề báo TN&MT phản ánh |
Về nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún, nứt một số đoạn của đê tả sông Hồng, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Nguyên nhân chính là do thân đê có hàm lượng hạt bụi và hạt sét lớn, nhạy cảm với trương nở, co ngót khi độ ẩm thay đổi bất thường (giữa mùa mưa và mùa khô). Địa chất nền đê dưới 10m so với mặt đê yếu hơn so với các đoạn đê khác trên toàn tuyến, cộng với việc sử dụng xe quá tải, mật độ vượt quá tiêu chuẩn thiết kế dẫn đến lún, nứt mặt đê”.
Về những sai sót tiền tỷ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824), Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Thực tế đến 30/6/2015, tại thời điểm thanh tra, kiểm toán, dự án đã đưa vào sử dụng 85%, chỉ còn những công trình phụ trợ tiếp tục hoàn thành theo kế hoạch cấp vốn của Chính phủ ... Kết luận kiểm toán, thanh tra là cơ bản đảm bảo các quy định của Nhà nước, công trình phát huy hiệu quả cao. Một số tồn tại mà Kiểm toán và Thanh tra Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão điều chỉnh trước khi quyết toán”.
Về những nghi vấn liên quan tới vấn đề tư vấn thiết kế cho dự án này, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên giải thích: “Tại vị trí tuyến đê K81+000 đến K82+050, đê tả sông Hồng thuộc địa phận huyện Văn Giang được đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát địa chất, tính toán hệ số thấm, hệ số trượt và hệ số lún đảm bảo yêu cầu của dự án và quy trình, tiêu chuẩn của Nhà nước, được cơ quan thẩm tra kết luận đảm bảo yêu cầu trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Về hướng xử lý, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: “UBND tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo Sở xử lý sự cố xong trước 30/6/2017 theo hướng: Nhà thầu xây lắp, sửa chữa phần mặt đường, nền đê vì dự án vẫn trong thời hạn bảo hành công trình (Điều này trái ngược hẳn với ý kiến của ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên - Chủ đầu tư dự án khi trả lời Báo TN&MT trước đó rằng, kinh phí khắc phục sự cố sẽ xin ngân sách – PV); nhà nước đầu tư xây dựng phần đắp phản áp và đắp áp trúc mái đê. Hiện Sở đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan để xử lý sự cố, đảm bảo đúng tiến độ UBND tỉnh giao”.
Phạm Thiệu