Ngày 3/10, Ban quản lý Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết vừa hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng 5 ngôi nhà rường cổ tại làng Phước Tích.
Theo đó, 5 ngôi nhà rường được trùng tu, cải tạo trong năm 2018 gồm có nhà của gia đình các ông Hồ Thanh Yên, bà Trương Thị Thú, bà Lê Ngọc Thị Thí, ông Lê Trọng Đào và nhà ông Lê Trọng Kiểm.
Các hạng mục tu bổ, phục hồi tại 5 nhà rường này gồm: phục hồi tường bao xây bằng gạch đặc; gia công phục hồi cột gỗ, kèo, trến, xuyên xà, đòn tay, rui, lách, ván mái, diềm; phục hồi hệ thống cửa đi, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay; lợp lại mái nhà bằng ngói liệt; lát mới gạch nền, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; phục hồi màu sắc cho công trình; xử lý chống mối, mọt cho toàn bộ cấu kiện gỗ…
Tổng giá trị trùng tu, cải tạo là hơn 3,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.
“Sau khi các nhà rường cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, Ban quản lý Làng cổ Phước Tích sẽ phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường để đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay”- ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho hay.
Được biết, Làng cổ Phước Tích được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 2009 với hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi. Cả làng hiện có 30 nhà rường cổ, trong đó 24 nhà ở của người dân và 6 nhà thờ các dòng họ.
Việc trùng tu, cải tạo các nhà rường tại làng cổ Phước Tích không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch tại địa phương.