Ngày 7/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa bổ sung danh mục 9 nhà vườn tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) tham gia hỗ trợ trùng tu năm 2019.
Cụ thể, tổng giá trị hỗ trợ trùng tu là 5,626 tỷ đồng (600-820 triệu đồng/nhà). 9 nhà vườn bổ sung trung tu trong năm 2019 gồm: Nhà vườn Lê Trọng Thị Vui, nhà vườn Đoàn Thị Nguyệt, nhà vườn Lê Thị Phương; nhà vườn Lương Thanh Thị Loan (Nguyễn Hoàng), nhà vườn Lương Thanh Hoàng, nhà vườn Trương Công Huấn, nhà vườn Lương Thanh Bạch, nhà vườn Hồ Văn Thuyên.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 9 nhà vườn bổ sung hỗ trợ trùng tu trong năm 2019 là những nhà rường cổ (loại I và loại II) nằm trong danh sách 25 nhà vườn tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã được phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí phân loại nhà vườn Huế đặc trưng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu.
Trước đó, TP. Huế cũng đã tổ chức trùng tu, bảo tồn 8 nhà vườn đặc trưng, với tổng mức hỗ trợ gần 6 tỷ đồng (từ 600-750 triệu đồng/nhà).
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có trên 100 nhà vườn Huế có giá trị lịch sử và văn hóa, trải qua thời gian nhiều nhà vườn đã xuống cấp trầm trọng và không còn giữ nguyên trạng; nhiều nhà vườn đã bị biến đổi diện tích hoặc tháo dỡ, xây dựng mới. Trong đó có 25 nhà vườn tham gia đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.
Đề án nhằm hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế; khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng. Đồng thời, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các nhà vườn sau khi hỗ trợ trùng tu, sửa chữa đều phát huy giá trị, số lượng khách du lịch đến nhiều hơn nên doanh thu từ các dịch vụ cũng tăng lên.