Huế: Cả làng “đòi” một hộ dân miếng đất nhỏ để xây miếu thờ

22/04/2018 12:59

(TN&MT) - Nhiều bậc cao niên trong làng muốn “đòi” 24m2 đất để xây lại miếu thờ nhưng gia đình bà Mướp không đồng ý. Chính quyền địa phương đã 2 lần đến hòa giải nhưng bất thành...

Sắc phong ở ngôi miếu thờ mà các vị tộc trưởng cho rằng đó là của vua ban
Sắc phong ở ngôi miếu thờ mà các vị tộc trưởng cho rằng đó là của vua ban

Đó là sự việc đã và đang xảy ra tại làng Vân Dương (nằm ở 3 phường/xã là Xuân Phú, Vỹ Dạ- TP. Huế và xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cụ thể, các bậc cao niên làng Vân Dương một mực khẳng định mảnh đất gần 1.600 m2 mà gia đình bà Nguyễn Thị Mướp (tổ dân phố 16, khu vực 6, phường Xuân Phú) đang ở, trước là ngôi miếu thiên được dân làng thờ cúng. Vì vậy, làng muốn “đòi” 24m2 đất để xây lại miếu thờ nhưng gia đình bà Mướp vẫn không đồng ý.

Muốn có đất xây miếu

Một số người ở làng cho hay, ngôi miếu trên thờ người có công khai phá đất nơi đây; vào năm Đồng Khánh thứ 2 đã sắc phong ngôi miếu tên Văn Thánh. Trên sắc phong có câu được dịch: “Quan thánh đế vương giúp nước bảo dân, hiện rõ công đức, bao trùm khắp chốn”.

Các bô lão bảo rằng sau năm 1975, ngôi miếu không còn nguyên vẹn, chỉ còn bệ thờ, 4 cột trụ. “Có thể do chiến tranh, thời gian hoặc do con người đập phá. Hiện tại, ngôi miếu chỉ còn nền nhưng gia đình bà Mướp cũng đã để những chậu cây cảnh lên phía trên...”, một vị cao niên nói.

Theo tìm hiểu của PV, làng Vân Dương có cả thảy 11 họ tộc, và tất cả các trưởng tộc đều ký tên vào đơn với mong muốn lấy lại đất để xây miếu thờ.

Các bậc bô lão làng Vân Dương (ảnh) cho rằng “trước đó là miếu nên phải đòi đất, xây lại vì vấn đề tâm linh...”
Các bậc bô lão làng Vân Dương (ảnh) cho rằng “trước đó là miếu nên phải đòi đất, xây lại vì vấn đề tâm linh...”


“Năm tôi 13 tuổi lúc đi giữ trâu thì tôi biết khu đất hiện bà Mướp đang sống có một ngôi miếu với chiều dài chừng 9m, rộng 6m, được lợp ngói, các cột trụ đều bằng gỗ, đằng trước có 4 cột trụ to. Thường thì vào tháng chạp, dân làng tới đây cúng vái rất đông có cả trống, kèn, chiêng và nhiều lễ vật khác...”- cụ Hồ Sĩ Bé (89 tuổi, khu vực 4, phường Xuân Phú) nhớ lại.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mướp có 10 người con (8 trai, 2 gái) và chồng đã qua đời. Hiện tại bà Mướp đang sống cùng với người con trai thứ tư trên mảnh đất tranh chấp.

“Mục sở thị” vườn nhà bà Mướp thì PV thấy không còn trụ biểu hay nền miếu gì cả. Quanh vườn chỉ toàn những chậu mai.

Ông Ngô Văn Tranh, con trai bà Mướp cho biết: “Đó là đất khai hoang xưa và nội, cha rồi anh em chúng tôi đều sống trên mảnh đất này. Tôi không rõ lúc trước ở đây có miếu hay không nhưng tôi đã 65 tuổi, từ nhỏ đến bây giờ chưa hề thấy một ai tới đây nhang khói...”.

Còn theo 11 trưởng tộc, thửa đất mà bà Mướp và các đồng thừa kế đang sử dụng trước đây là miếu Văn Thánh. Vào năm 1943, làng Vân Dương giao cho bố chồng bà Mướp hương khói và gia đình này ở từ thời gian đó đến bây giờ.

Đã có 2 lần hòa giải về sự việc nhưng đều bất thành
Đã có 2 lần hòa giải về sự việc nhưng đều bất thành

Ông Ngô Văn Phúc- Trưởng làng Vân Dương cho biết, trước năm 1995, con em trong làng có tới đây hương khói, lễ vật là mía, khoai. Nhưng sau năm đó, vì miếu đã bị phá hủy nên không còn ai tới đây nhang khói cả.

“Con cháu trong làng mong mỏi dựng lại miếu để thờ nhưng không có kinh phí. Thời gian gần đây, làng được đền bù đất nên có tiền, thế là chúng tôi mới đi “đòi” lại đất. Mục đích của làng là tôn tạo, xây dựng miếu nên rất mong gia đình bà Mướp nhường lại 24m2. Đây là tâm nguyện của của hầu hết dân chúng tôi...”- ông Phúc bộc bạch.

Chính quyền hòa giải cũng chừng!

Vì tranh chấp nên đến bây giờ, mảnh đất kể trên vẫn chưa được cấp quyền sử dụng. Và vì thế, gia đình ông Tranh cũng mất đi ít nhiều tình nghĩa từ những người xung quanh.

“Trong vườn nhà tôi có miếu nhưng đó là cái miếu nhỏ được gia đình tôi lập vào năm 1972, lợp tôn để thờ thổ thần, đất đai mà thôi. Tôi mong việc tranh chấp mau chóng kết thúc để gia đình tôi được cấp quyền sử dụng đất”- ông Tranh phân trần.

Chính quyền phường Xuân Phú cung cấp bản đồ xưa cho PV
Chính quyền phường Xuân Phú cung cấp bản đồ xưa cho PV

PV nhận thấy ở mảnh đất đang tranh chấp thì gia đình ông Tranh có xây dựng hàng rào mới. Về điều này ông Tranh giải thích rằng vì tường rào cũ có đường ống nước đi ngang qua nên bị hư hỏng. Gia đình phải sửa lại nên UBND phường không xử lý...

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Chủ tịch UBND phường Xuân Phú thông tin, đầu năm 2006 sau khi nhận đơn của Hội đồng tộc trưởng làng Vân Dương thì UBND phường đã về hiện trường xác minh.

“Phường đã vận động ông Tranh (đại diện bên thừa kế) nhường lại đất để làng lập lại miếu thờ nhưng ông không đồng ý. Chúng tôi đã mở hai cuộc hòa giải, lần đầu vào 13/7/2006 và tiếp đó là vào 20/3/2018 vừa rồi. Tuy nhiên, cả hai cuộc hòa giải này đều bất thành. Đến nước này thì phường đã hướng dẫn các bên tranh chấp có quyền khởi kiện ra tòa theo quy định...”- bà Hương nói.

Bà Hương cũng đã cung cấp một bản đồ mang tên 299 được đo vẽ từ năm 1984 cho PV. Theo như vị Chủ tịch UBND phường thì bản đồ này là căn cứ để cấp quyền sử dụng đất.

“Đất tranh chấp trên có số thửa 748, diện tích 1545m2, tên chủ sở hữu là ông Ngô Văn Dường (chồng bà Mướp). Còn làng Vân Dương không hề có giấy tờ nào chứng mình đó là đất của làng. Sắc phong của vua ban cũng không có địa chỉ cụ thể... UBND phường mong muốn người dân có thể hòa giải một cách hợp tình hợp lý để có nơi thờ tự, để con dân của làng có nơi để thắp nén nhang, hương khói”- bà Hương cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Cả làng “đòi” một hộ dân miếng đất nhỏ để xây miếu thờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO